KTĐT - Theo sáng kiến của báo The Guardian (Anh), nhân ngày khai mạc Hội Nghị thượng đỉnh về Khí hậu tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
56 tờ báo lớn tại 45 quốc gia cùng đăng một bài xã luận chung “Khí hậu, tình trạng cấp bách”, kêu gọi các quốc gia trên thế giới, giàu cũng như nghèo, hãy đoàn kết tại Copenhagen, trong lúc tình hình rất khẩn cấp. Bài xã luận đăng bằng 20 thứ tiếng, cảnh báo là nếu không hợp sức để đưa ra những biện pháp dứt khoát và mang tính quyết định, thì hiện tượng thay đổi khí hậu sẽ tàn phá hành tinh, và do đó sẽ tác động đến an ninh cũng như sư phồn thịnh các quốc gia. Bài báo vẽ ra cảnh thê lương: ruộng đồng biến thành sa mạc, một nửa các giống loài hiện nay sẽ bị tiệt chủng, hàng triệu, triệu người bị di dời, nhiều quốc gia chìm dưới biển.
Các tờ báo thúc đẩy các vị lãnh đạo hành tinh hãy có sự chọn lựa đúng đắn ở Copenhagen: “Các đại diện chính trị ở Copenhagen có năng lực chi phối phán xét của lịch sử về thế hệ của chúng ta: một thế hệ đã thấy đươc thách thức và đã biết cách đối phó, hoặc là một thế hệ ngu xuẩn đến nỗi mà đã thấy tai ương nhưng không làm gì cả. Cho nên chúng tôi xin họ hãy có chọn lựa đúng đắn. Chúng tôi yêu cầu đại diện 192 quốc gia tập hợp tại Copenhagen không nên do dự, không nên lao vào những cuộc thảo luận, cãi cọ, trách móc nhau mà hãy nắm lấy cơ hội để tránh thất bại chính trị lớn nhất thời kỳ hiện đại này”.
“Không nên để Hội nghị trở thành sư đối chọi giữa 2 thế giới giàu và nghèo, hay giữa Đông và Tây. Vấn đề khí hậu là vấn đề chung mà mọi người phải giải quyết”.
Báo Libération của Pháp nhấn mạnh: Thay đổi khí hậu là hậu quả các hành vi trải dài trên nhiều thế kỷ qua, và sẽ kéo dài vô hạn định, nhưng cơ may của chúng ta khắc phục nó thì sẽ đươc quyết định trong 14 ngày tới đây.
Tờ La Croix dưới hàng tựa “15 ngày để chữa bệnh cho hành tinh”, trong bài xã luận đã kêu gọi trợ giúp phương Nam. Theo bài báo, nếu châu Âu, như đánh giá của các nhà khoa học, sẽ không chịu hậu quả quá nặng nề, thì ngược lại ở châu Phi hay ở Nam Á tình hình khác hẳn. Sự sống còn của người dân sẽ bị đe doạ: Burkina Faso sẽ trở thành sa mạc trong lúc mà một phần Bangladesh chìm dưới nước. Cho nên tại Copenhagen, mọi người phải cho thấy đây không phải là định mệnh đã được an bài, không thể tránh khỏi.
Tờ Les Echos điểm lại một số sự kiện để minh hoạ nhận định của mình: đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức, tập hợp hơn 20.000 người và sẽ kết thúc với sự hiện diện của 105 nguyên thủ quốc gia.
Tờ báo ghi nhận cử chỉ đầy thiện chí của Tổng thống Mỹ Obama đã thay đổi lịch trình để đến vào thời điểm then chốt, những ngày cuối, 17 và 18/12. Trên vần đề tài trợ các quốc gia nghèo để thích nghi với biến đổi khí hậu, tờ báo nhắc lại là Liên hợp quốc đã đề nghị các nước phương Tây tài trợ 10 tỷ USD mỗi năm, từ đây đến năm 2012, đề nghị này đã được Mỹ và châu Âu chấp thuận.
Tuy nhiên cũng như các đồng nghiêp khác, Les Echos cũng nhắc lại là phải mất nửa thế kỷ để thế giới ý thức về tầm cỡ vấn đề khí hậu. Bây giờ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian nữa để họ dành cho vấn đề những phưong tiện cần thiết để giải quyết. Đây là câu hỏi then chốt, ở trọng tâm các cuộc thương lượng tại Copenhagen bắt đầu từ hôm nay.
Báo Nhật Yomiuri Shimbun, nhấn mạnh: Tất cả các quốc gia đứng đầu danh sách thải khí gây hiệu nhà kính, phải đưa ra những mục tiêu giảm khí thải quan trọng”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, báo chí thế giới đoàn kết trước một vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu.