Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy khu vực thi công cầu Ghềnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm hiện nay, công tác thi công xây dựng cầu Ghềnh mới đang được đẩy nhanh tiến độ, nhiều hạng mục quan trọng đã được định hình.

Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Ghềnh.
Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Ghềnh.
Tuy nhiên do các đơn vị thi công đang triển khai đồng bộ việc xây các trụ cầu cả ở khu vực bờ Nam và bờ Bắc của cầu Ghềnh khiến luồng đường thủy nội địa qua khu vực này bị thu hẹp, trong khi lưu tốc dòng chảy nước sông Đông Nai tăng, do đó công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy đang được các đơn vị phối hợp tăng cường.

Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cho biết Cục đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thay thế nhà thầu điều tiết giao thông thủy qua công trường cầu Ghềnh. Tuy nhiên, hiện Cục vẫn chưa nhận được thông báo về việc đã thay thế nhà thầu điều tiết giao thông thủy qua cầu Ghềnh hay chưa.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, luồng trên sông Đồng Nai qua khu vực cầu Ghềnh rất phức tạp, tồn tại các bãi đá ngầm ở thượng, hạ lưu cầu, dòng chảy xiết về mùa lũ nên quá trình triển khai thi công các trụ cầu dẫn đến chiều rộng luồng bị hạn chế, lưu tốc dòng chảy qua khu vực tăng. Do đó, các phương tiện đi lại qua khu vực cần phải có sự kiểm tra hướng dẫn của đơn vị điều tiết đảm bảo giao thông.

Ông Hoàng Hồng Giang cho biết thêm hiện nay để đảm bảo an toàn đối với tàu thuyên qua khu vực này, ngoài nhà thầu đảm nhận vài trò điều tiết giao thông thủy còn có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai. Những lực lượng này sẽ tổ chức phân luồng, thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền lần lượt đi qua khu vực đang thi công cầu Ghềnh.

Theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, đơn vị trực tiếp quản lý đoạn đường thủy trên, từ ngày 10/5 luồng giao thông thủy qua khu vực cầu Ghềnh bị thu hẹp chỉ còn 30m. Các phương tiện tàu, sà lan có tải trọng dưới 400 tấn chỉ được đi qua cầu từ từ 5 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Tàu thuyền khi qua luồng cầu Ghềnh phải đi theo thứ tự, không được tranh giành, vượt lên tàu khác.

Đối với tàu, sà lan có tải trọng trên 400 tấn yêu cầu phải có một tàu đẩy và 1 tàu kéo hộ tống khi đi qua khu vực trên.

Tất cả tàu thuyền chỉ được lưu thông qua khu vực trên theo chiều ngược nước, nghĩa là khi thủy triều xuống thì tàu mới được lưu thông hướng lên thượng nguồn và khi thuỷ triều lên thì mới lưu thông hướng về hạ nguồn.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông về công tác bảo đảm an toàn tại công trình xây dựng cầu Ghềnh mới đây, đại diện đơn vị tư vấn giám sát công trình thi công cầu Ghềnh bày tỏ lo ngại các trường hợp tai nạn tương tự xảy ra vì chủ phương tiện giao thông thủy chưa chấp hành tốt nội quy khi lưu thông qua đoạn đang thi công cầu Ghềnh, nhiều tàu thuyền vẫn cố tình vượt, giành nhau khi qua khu vực trên.

Trước đó, lúc 3 giờ 30 phút, ngày 24/4/2016, một tàu kéo đang lai dắt sà lan đã bị đứt dây lai dắt, sà lan này trôi tự do và va vào một sà lan đang thi công cầu Ghềnh phía bờ phải.

Sau sự cố trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thay thế nhà thầu điều tiết giao thông qua khu vực do chưa thực hiện nghiêm túc phương án đảm bảo giao thông đã được phê duyệt dẫn đến sự cố.

Ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết hiện cơ quan công an đang điều tra vụ việc sà lan va vào tàu đang thi công cầu Ghềnh, vì vậy việc có thay thế nhà thầu điều tiết giao thông đường thủy đoạn qua khu vực cầu Ghềnh hay không phải chờ kết luận điều tra.