Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể: Nỗi lo thường trực

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một thời gian ngắn Hà Nội đã xảy ra 2 vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn trưa tại nơi làm việc. Với gần 3.000 bếp ăn tập thể (BATT) trên địa bàn Thủ đô, vấn đề ngộ độc thực phẩm luôn rình rập nếu không được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là khâu kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Thực phẩm sạch ít có “cửa”
Chất lượng thực phẩm tốt sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các BATT. Tuy nhiên, do giá thực phẩm ngày càng tăng nhưng giá bán các suất ăn cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất rất thấp, phổ biến từ 10.000 - 13.000 đồng/suất nên nhiều cơ sở nấu ăn phải lựa chọn nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Long Vũ Ngọc Hiếu cho hay, công ty đã đầu tư quy trình sản xuất thực phẩm khép kín, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, nhà kho bảo quản đạt tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra được chứng nhận bảo đảm ATTP.
Song, khi “chào hàng” các BATT lại không mấy khi được lựa chọn vì giá thành cao hơn thực phẩm ngoài chợ. “Các BATT đều có nguồn cung cấp riêng với giá rẻ đến mức “giật mình”, các DN cung cấp thực phẩm sạch như chúng tôi ít có “cửa” để vào. Thực tế, nếu giá một suất ăn quá thấp thì việc lựa chọn nguồn nguyên liệu vừa bảo đảm ATTP vừa bảo đảm dinh dưỡng cho người dùng khó có thể thực hiện” – ông Hiếu chia sẻ.

Mặt khác, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hình thức đơn vị có BATT ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các công ty có giấy phép kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống chiếm tới 80% và do đơn vị tự nấu phục vụ nhân viên chỉ chiếm 20%. Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Hoàng Thị Minh Thu cho biết, khi cơ sở cung ứng ở xa BATT, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài, nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm rất dễ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Qua khảo sát các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận định, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến phục vụ công nhân.

Nâng trách nhiệm của chủ DN

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu, các bếp ăn chưa bảo đảm ATTP đã được kiểm tra đa phần đều mắc các lỗi vi phạm như: Thiết kế và tổ chức bếp không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không bảo đảm; kho và thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng; dụng cụ sống/chín không để riêng biệt; người chế biến không khám sức khỏe hoặc xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm
Nguyên nhân là do chủ DN chưa thực sự quan tâm đến việc bảo đảm ATTP tại BATT. Có DN đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số DN liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, nhưng lại chưa chủ động cùng nhà thầu khắc phục ngay các điều kiện về cơ sở vật chất không bảo đảm tại bếp của đơn vị mình. Do vậy, bà Thu nhấn mạnh, chủ DN cần quan tâm định kỳ kiểm tra hoạt động BATT, phân định rõ và phối hợp với nhà thầu để kịp sửa chữa, nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thực hiện vệ sinh ATTP. Đặc biệt, chủ DN nên tiến hành kiểm tra định kỳ nguồn gốc thực phẩm.

Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng, muốn BATT bảo đảm an toàn, chủ DN cần chăm lo cho bữa ăn của công nhân, tăng cao định mức khẩu phần suất ăn, coi sức khỏe của người lao động là tài sản của DN. Đặc biệt, chính mỗi công nhân cần nhìn nhận vấn đề “sức khỏe là vốn quý” và nói không với những suất ăn giá rẻ mà mất an toàn.
Giao lưu trực tuyến “Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội”

9 giờ sáng ngày 9/8, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về “Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội” trên báo điện tử kinhtedothi.vn. Tại buổi giao lưu, đại diện khách mời gồm lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Chi cục ATVSTP Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, Ban quản lý các KCN&CX Hà Nội, các DN, BATT các công ty sẽ đề cập đến thực trạng cùng những khó khăn trong quản lý, cung cấp cũng như thực hiện vấn đề ATTP. Bên cạnh đó là những đề xuất, giải pháp để Hà Nội quản lý tốt hơn ATTP tại BATT các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn.