70 năm giải phóng Thủ đô

Bảo đảm an toàn thực phẩm sau mưa bão

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi bão số 3 (bão Yagi) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Hà Nội cũng như nhiều địa phương đã tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân dần ổn định cuộc sống, sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, nhất là vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau mưa lũ

Vào mùa mưa bão, lũ lụt, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm khi xảy ra bão lụt cũng như ngăn ngừa bệnh dịch sau lũ vô cùng quan trọng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi khiến thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh vật. Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế.

Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm có thể bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết mưa ẩm, dẫn đến việc ôi, thiu, mốc, hỏng và sinh ra độc tố, điều này có thể gây ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Người dân chú ý chọn và bảo đảm an toàn thực phẩm sau mưa bão.
Người dân chú ý chọn và bảo đảm an toàn thực phẩm sau mưa bão.

Ngoài ra, sau bão lụt, thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm như tả, thương hàn, lỵ trực trùng cũng như các bệnh tiêu chảy do virus,  viêm gan A, E…

Nguồn nước lúc này có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và nước uống được sử dụng dùng để chế biến thức ăn. Đặc biệt, sau mưa lũ cũng là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm cao do bảo quản thực phẩm chưa đúng cách hoặc lựa chọn, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo các chuyên gia y tế, trong mùa mưa bão, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân trở nên cao hơn. Đặc biệt, sau mưa lũ, tại các địa phương miền núi thường xảy ra các trường hợp ngộ độc do tiêu thụ nấm hoặc các thực phẩm địa phương, mang tính chất bản địa, vùng miền.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ, Viện Dinh dưỡng, để phòng tránh bệnh dịch, người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi; không sử dụng các thực phẩm bị ngập nước, nảy mầm, nấm mốc, thịt gia súc gia cầm bị chết... Với trẻ đang bú mẹ, người mẹ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Bữa ăn của trẻ cần đảm bảo đủ số bữa và chất lượng bữa ăn.

Với trẻ ăn dặm, phụ huynh lựa chọn các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn.

Tiêu dùng thực phẩm an toàn sau mưa lũ

Thời gian qua, ngành y tế Hà Nội luôn khuyến cáo người tiêu dùng đảm bảo lương thực, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh sản phẩm bị hư hỏng, mất dinh dưỡng do bảo quản không đúng; dùng nước sạch để ăn uống, không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước.

Trong mùa mưa bão, lũ lụt, do sự thay đổi bất thường về thời tiết tạo điều kiện thuận lợi các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển, đặc biệt là trên các loại lương thực, thực phẩm nếu không bảo quản đúng cách.

Đoàn kiểm tra ATTP số 1 của TP Hà Nội kiểm tra rau an toàn tại huyện Thanh Trì.
Đoàn kiểm tra ATTP số 1 của TP Hà Nội kiểm tra rau an toàn tại huyện Thanh Trì.

Các loại thực phẩm trong quá trình sử dụng, bảo quản khi gặp thời tiết mưa, ẩm ướt kéo dài dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng hơn. Nguồn nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm có thể bị ô nhiễm do bị ngập úng, ngập lụt.

Các vùng trồng trọt, chăn nuôi bị ngập lụt dẫn đến rau, củ, quả dập nát, hư hỏng, nhiễm bẩn; động vật gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng.

Trong khi đó, một số đối tượng lợi dụng mùa mưa bão, tâm lý người tiêu dùng, có thể trà trộn, đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm giả, hết hạn sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tại cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm có tem/mã truy xuất nguồn gốc điện tử.

Sản phẩm của các đơn vị đã tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm của TP. Người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm để tránh trường hợp sản phẩm bị hư hỏng, mất dinh dưỡng do bảo quản không đúng, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm cần điều kiện bảo quản lạnh, lạnh đông.

Người dân thực hiện triệt để việc ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm. Thực hiện tốt “10 Nguyên tắc vàng để chế biến thực phẩm an toàn”; “5 chìa khóa để thực phẩm an toàn.

Đối với các vùng bị ngập úng, ngập lụt, người dân cần cần tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện nhiệt độ, thời hạn bảo quản thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm ăn ngay, chế biến sẵn theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm mùa mưa bão, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân dự trữ và bảo quản lương thực, thực phẩm an toàn.

Người dân cảnh giác với các nguy cơ gây ô nhiễm (ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm vật lý); rửa tay sạch bằng xà phòng và nước (hoặc chất tẩy pha loãng) sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống và trước khi ăn.

Tuy nhiên, người dân lưu ý không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt; bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác; không sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp bị ngâm trong nước, hoen rỉ, ngấm nước, bùn… Bên cạnh vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng sau khi ổn định lại cuộc sống.