Bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT không bị gián đoạn sau sáp nhập
Kinhtedothi - Một số cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về chính sách nào được ban hành bảo đảm duy trì đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất, nguồn lực. Đặc biệt là quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) của người dân không bị gián đoạn hoặc thiệt thòi sau sáp nhập.
Trả lời cử tri về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, việc sáp nhập, dừng hoạt động cấp huyện là một phần trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Các Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025, 157-KL/TW ngày 25/5/2025 và 160-KL/TW ngày 31/5/2025 của Bộ Chính trị năm 2025 đều khẳng định rõ, việc sắp xếp tổ chức hành chính không làm gián đoạn việc cung ứng dịch vụ công thiết yếu, đặc biệt là y tế và giáo dục.
Ngày 23/6/2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/2025/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và UBND xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Thông tư này là căn cứ quan trọng nhằm hướng dẫn cụ thể việc duy trì và củng cố hệ thống y tế tuyến huyện trong quá trình sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính, góp phần bảo đảm ổn định hoạt động chuyên môn và quyền lợi chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Nhân viên y tế Hà Nội khám bệnh cho người cao tuổi.
Cùng đó, Bộ Y tế đang triển khai Đề án kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2025–2030. Trong đó, có nội dung duy trì biên chế, ổn định đội ngũ y bác sĩ tại các địa bàn đặc thù, kết hợp với các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực.
Đơn cử như Nghị định số 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, và Dự án 585 về đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, huyện đảo.
Việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đầu tư trung hạn, không bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập hành chính.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, đối với quyền lợi BHYT của người dân, theo quy định tại Khoản 1 và khoản 3 Điều 22 Luật BHYT năm 2008, được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 51/2024/QH15: quy định người có thẻ BHYT vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi theo mức hưởng đúng tuyến khi đi khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh mới do thay đổi nơi cư trú hoặc do thay đổi đơn vị hành chính (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025).
Người dân vẫn được khám chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu, hoặc được chuyển tuyến theo quy định. Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam cập nhật danh mục cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống dữ liệu, bảo đảm người dân không bị gián đoạn quyền lợi do thay đổi địa giới hành chính.
Đối với các địa bàn đặc thù như Côn Đảo, chính quyền địa phương có thể tiếp tục đề xuất cơ chế đặc thù để bảo đảm điều kiện nhân lực, tài chính và hạ tầng y tế. Các chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cũng tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để giám sát, hướng dẫn và bảo đảm việc sắp xếp tổ chức hành chính không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống y tế, góp phần ổn định đời sống Nhân dân và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã cấp để khám chữa bệnh khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
Kinhtedothi – Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn số 1334/BHXH-CSYT gửi BHXH các khu vực về việc đảm bảo công tác khám, chữa bệnh (KCB) được thực hiện liên tục và thông suốt trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đảm bảo tốt chính sách, chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT
Kinhtedothi - Ngày 1/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Khu vực I tổ chức Ngày hội Tuyên truyền tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam (1/7).

Nhiều bệnh nhân được BHYT chi trả hàng tỷ đồng viện phí
Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh (KCB).