Loạn sàn môi giới “ma”
Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt Giám đốc các sàn môi giới BĐS khắp trong Nam, ngoài Bắc bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giam vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Đơn cử, như: Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia sử dụng pháp nhân lập dự án “ma” tại TP Hồ Chí Minh lừa đảo, chiếm đoạt trên 260 tỷ đồng; Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giam Giám đốc Công ty Catimex thông qua hợp đồng đặt cọc chiếm đoạt gần 90 tỷ đồng; Công an Thừa Thiên Huế bắt giam Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Khải Tín vì tội biến đất ở riêng lẻ thành dự án lừa đảo khách hàng; hay vụ việc Giám đốc Công ty địa ốc VHO đang bị công an tỉnh Bình Dương truy nã vì lừa đảo, chiếm đoạt 36 tỷ đồng...
Mới đây nhất, thông qua công tác thanh, kiểm tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã có báo cáo UBND tỉnh về tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn. Tổng số 30 sàn giao dịch, hơn 80 doanh nghiệp, cá nhân ở TP Hạ Long kinh doanh dịch vụ BĐS không chấp hành việc đăng ký hoạt động, chế độ thông tin, báo cáo giao dịch, kinh doanh dịch vụ BĐS với cơ quan quản lý Nhà nước, không tuân thủ theo Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, vi phạm Nghị định 139/NĐ-CP. Trong đó, rất nhiều sàn môi giới thuộc sở hữu của doanh nghiệp, như: Công ty CP Thương mại dịch vụ An Phát Hạ Long; Công ty CP Tấn Phát Quảng Ninh; Công ty CP Đầu tư Xây dựng & Thương mại M.K.L; Công ty CP Đầu tư Legend Land; Công ty CP TMDV Địa ốc Đại Nam; Công ty BĐS Lộc Sơn Hà Land...
Nhiều hệ lụy từ việc quản lý các sàn môi giới BĐS không chặt chẽ cản trợ sự phát triển minh bạch của thị trường. |
Theo đánh giá, đến thời điểm hiện nay sàn môi giới BĐS vẫn còn hoạt động lộn xộn, thiếu kiểm soát. Chưa hình thành được hệ thống giao dịch kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài những trường hợp đã bị khởi tố, bắt giam rất nhiều sàn môi giới BĐS câu kết với nhau để đẩy giá... khiến công tác quản lý Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
“Hoạt động của sàn giao dịch BĐS tồn tại nhiều bất cập, có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo, ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS. Đội ngũ làm môi giới yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng. Nhiều người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới BĐS” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Siết chặt công tác cấp phép
Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng cá nhân, sàn môi giới BĐS câu kết với nhau nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thổi giá sản phẩm là do một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, lỏng lẻo. Đơn cử, như Luật kinh doanh BĐS năm 2014, quy định, khi hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề, nhưng không cần phải qua đào tạo. Dấn tới 90% môi giới BĐS Việt Nam thiếu kiến thức căn bản của người làm môi giới. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, thị trường của môi giới rất thấp, việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng yếu và thiếu.
“Trong khi đó, pháp luật không bắt buộc các dự án BĐS phải niêm yết công khai, phải giao dịch qua sàn giao dịch. Vì vậy việc thực thi thẩm tra đối với pháp lý, chất lượng sản phẩm nhằm bảo vệ lợi ích cho khách hàng, bị xem nhẹ, đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều trường hợp chủ đầu tư tự ý hoặc tự lập sàn để trực tiếp bán hàng không đúng quy định pháp luật” – ông Nguyễn Văn Đính nhìn nhận.
Cũng theo đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam, để bảo vệ cho những người làm nghề môi giới chuyên nghiệp, vấn đề quan trọng nhất hiện nay cần sớm điều chỉnh Luật kinh doanh BĐS. Trong đó, mọi sàn môi giới BĐS phải đủ điều kiện, năng lực thẩm tra, thẩm định BĐS, khi tham gia trị trường phải có tài chính để đảm bảo chịu trách nhiệm trước pháp luật, đối tác, khách hàng khi để xảy ra sai xót.
“Môi giới BĐS trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, buộc phải đào tạo để có đủ kiến thức, hiểu rõ về vai trò của môi giới BĐS. Chứng chỉ hành nghề cấp bằng mã số công nghệ, giúp công tác quản lý môi giới và hoạt động của môi giới thông qua ứng dụng công nghệ số” – ông Nguyễn Văn Đính kiến nghị.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014, nhằm phù hợp với thị trường. Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch mua, bán BĐS (Nhà ở, công trình xây dựng không phải nhà ở, quyền sử dụng đất) phải thông qua sàn môi giới BĐS.
Việc này kỳ vọng sẽ giúp thị trường được quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước, đồng thời giúp người dân có kênh thông tin chính thống để thẩm định, thẩm tra sản phẩm trước khi giao dịch, tránh tình trạng bị lừa đảo. Nhưng theo đánh giá, cần phải phân cấp nhiều hơn nữa việc thực thi pháp luật đối với chính quyền cơ sở, nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn môi giới, tổ chức, cá nhân hành nghề theo đúng quy định, hạn chế tình trạng mua bán trao tay, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường.
“Cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu tập hợp hợp dữ liệu, phân loại đối tượnghành nghề môi giới BĐS sử dụng trên một hệ thống, để tránh tình trạng người mua không phân biệt được đâu là môi giới, chủ đầu tư, người giao dịch chính chủ... Đồng thời cung cấp giá giao dịch, biến động giá dựa trên thực tiễn thị trường từng khu vực, phân khúc, loại hình BĐS, sẽ không còn tình trạng mua sai, mua nhầm phải BĐS nằm trong khu vực quy hoạch, hạn chế "sốt ảo" và cũng là công cụ dành cho nhà môi giới quản lý thông tin dữ liệu, tương tác với khách hàng” – Chủ tịch Hội đồng quản trị Meey Land Hoàng Mai Chung. |