Bao giờ hết cảnh làm thuê?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, 90% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam đều vận chuyển bằng đường biển, thế nhưng dịch vụ hậu cần logistics của doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ khai thác được 18% tổng khối lượng hàng hóa, còn lại các DN nước ngoài chiếm lĩnh.

Làm thuê trên sân nhà

Ngành logistics Việt Nam hiện có hơn 1.000 DN trong nước và 25 DN nước ngoài tham gia hoạt động. Theo thống kê của Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), trong 1.000 DN nội có đến 80% DN có vốn đăng ký chỉ từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Vốn ít,  nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành này cũng rất thấp, chỉ khoảng 5 - 7%.Với quy mô nhỏ bé như vậy nên hiện các DN logistics trong nước chỉ cung cấp được những dịch vụ đơn giản như: Khai báo hải quan, vận chuyển hàng hóa cho các DN logistics nước ngoài hoạt động trên thị trường Việt Nam... Việc trở thành nhà "thầu phụ" cho DN nước ngoài khiến các DN logistics trong nước chưa tìm được tiếng nói chung với nhau cũng như gắn kết với các DN xuất nhập khẩu. Mối liên kết lỏng lẻo này dẫn đến việc các DN hoạt động xuất nhập khẩu phải chi trả cho hoạt động logistics tại Việt Nam cao hơn 1 - 1,5 lần so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu trong nước.

 
Các doanh nghiệp Logistics cần liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để cùng phát triển. Ảnh: Ngô Tự
Các doanh nghiệp Logistics cần liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để cùng phát triển. Ảnh: Ngô Tự
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Sở dĩ DN dịch vụ logistics không phát triển như mong muốn còn do thể chế và khung pháp lý về logistics còn rất phức tạp và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Thủ tục hành chính chậm trễ, sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý và văn bản luật đã làm giảm hiệu quả trong hoạt động này.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn còn tập quán giao hàng lên tàu là hết trách nhiệm, phó thác cho DN nước ngoài quyền chủ động sử dụng dịch vụ logistics. Trong khi cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông đường bộ yếu kém, chưa được đầu tư đúng tầm cũng là tác nhân khiến dịch vụ logistics chậm phát triển.

Cần “cú huých” từ cơ chế

Để các DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực logistics thoát cảnh "làm thuê" cho DN nước ngoài, bên cạnh sự cố gắng của bản thân, DN cũng rất cần "cú huých" từ phía Nhà nước.

Theo ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA):  Điều cấp thiết hiện nay là phải có một tổ chức cấp Nhà nước quản lý, chỉ đạo thống nhất các hoạt động của ngành logistics. Từ đó hình thành cầu nối giữa DN và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển ngành logistics, gắn liền với sản xuất, xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Nhà nước điều phối hoạt động của các hãng tàu biển không nên tập trung hoạt động ở một vài cảng mà hoạt động tại nhiều cảng khác nhau từ đó khai thác triệt để công suất.

Chi phí logistics cũng là vấn đề được nhiều DN quan tâm. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội kiến nghị, Nhà nước nên quy hoạch xây dựng hệ thống kho dự trữ, chế biến, kho ngoại quan… gần cảng để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời giảm chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, để hoạt động logistics phát triển bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì giữa các DN logistics cần tăng cường liên kết với nhau cũng như với DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, các hiệp hội chủ hàng cũng như các hiệp hội ngành logistics cần phổ biến, vận động, tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ Việt Nam trong đó có dịch vụ logistics, vận tải, bảo hiểm. Vừa qua, Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Công ty CP ICD Tân Cảng - Long Bình (thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã ký kết triển khai gói tích hợp giải pháp tài chính và logistics cung ứng cho các DN xuất nhập khẩu. Theo ước tính của OCB, thông qua giải pháp logistics và tài chính khép kín, DN sẽ giảm được 5% chi phí logistics, giảm khoảng 20% chi phí cho việc thanh toán quốc tế. Đây là minh chứng cho lợi ích của hoạt động liên kết giữa DN logistics với ngân hàng và DN xuất khẩu.

Về phía DN xuất nhập khẩu, cũng cần nhận thức các lợi ích trong việc thay đổi tập quán mua bán truyền thống, trong quá trình ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu nên giành quyền vận tải để giảm chi phí từ đó tạo ra thế cạnh tranh giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần