Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ hết cảnh xếp hàng mua xăng?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chưa bao giờ có tiền mà không mua được xăng như thời gian gần đây”; “xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới đổ được bình xăng” - đó là những cái thở dài ngao ngán của nhiều người dân trước thực tế khó khăn trong mua xăng, dầu hiện nay.

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều 2/11. Ảnh: Hoài Nam
Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều 2/11. Ảnh: Hoài Nam

Hết xăng, bán hàng nhỏ giọt, cầm chừng…, hiện tượng này diễn ra không chỉ ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà trở nên phổ biến trên khắp cả nước.

Nguyên nhân xảy ra khan hiếm xăng, dầu được người đứng đầu ngành Công Thương nói do cả khách quan lẫn chủ quan. Đó là việc tỷ giá biến động, sức hút nguồn xăng, dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt. Trong khi đó, xăng, dầu trong nước vẫn phải lệ thuộc vào thị trường thế giới do, theo tính toán, Việt Nam đang phải nhập trên dưới 70% xăng, dầu nguyên liệu và xăng, dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng, dầu thành phẩm.

Phía Bộ Công Thương cho rằng, “cú sốc” đang diễn ra đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cũng như các bộ, ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương xem xét, xử lý các DN này theo quy định của pháp luật. “Chúng ta phải công bằng với nhau, nếu không công bằng thì không thể chấp nhận được. Quyền lợi thì DN hưởng nhưng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là không được” - người đứng đầu Bộ Công Thương nói.

Đúng là DN nhập khẩu có trách nhiệm trong đảm bảo nguồn cung xăng, dầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá biến động, nguồn cung xăng, dầu khó khăn, điều hành vẫn còn nhiều bất cập, DN dù nỗ lực cũng rất vất vả để duy trì và đứng vững. “Sức chống chịu của DN cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại” - đại diện “ông lớn” xăng, dầu Petrolimex cho biết.

Giới chuyên gia đánh giá, "cơn sốt" xăng, dầu là cơ quan quản lý Nhà nước chưa bắt trúng bệnh, chưa nắm sát tình hình, căn nguyên cơ bản của thị trường. Vì thế, cần có sự điều tra, đánh giá lại một cách tổng thể để xác định số liệu báo cáo nguồn cung với nhu cầu thực tế của thị trường, từ đó có các biện pháp kinh tế để đảm bảo nguồn cung. Thực tế, giá dầu thô thế giới đang ở mức hài hòa, không phải quá cao, song lại để xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung một cách bất thường như vậy thì phải xem xét, làm rõ lý do.

Về giải pháp, hiện, Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát để sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành của Nghị định 83, Nghị định 95 và sẽ sửa theo điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn. Bộ sẽ sửa theo hướng tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các DN nói chung, của các DN kinh doanh xăng, dầu nhất là DN Nhà nước nói riêng. Mặt khác, bộ cũng xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các DN.

Ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công điện về điều hành xăng, dầu. Công điện yêu cầu khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu, nhất là quy định về thời gian điều hành giá xăng, dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng, dầu…