Đây là tác phẩm ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, phổ biến rộng rãi, có sức sống mãnh liệt; xuất phát từ phục vụ tuyên truyền một nhiệm vụ cụ thể, ở một địa phương cụ thể đã lan tỏa thành tác phẩm kinh điển nâng tầm và gìn giữ văn hóa dân gian. Điều đáng tiếc, tác giả của tác phẩm vừa độc đáo vừa phổ cập này lại chưa nhận được giải thưởng xứng tầm nào của quốc gia.
Tác phẩm độc đáo và có sức sống mãnh liệtTìm về Nghệ An, giới văn nghệ sĩ và những người yêu dân ca Ví, Giặm thường nhắc đến tác giả Nguyễn Trung Phong. Năm 1967, để động viên tinh thần của toàn dân kháng chiến và phê phán chủ nghĩa cá nhân, Nguyễn Trung Phong đã cùng chú ruột của mình là ông Nguyễn Trung Đính và người em là nhà biên kịch Nguyễn Trung Giáp cho ra đời vở kịch dân ca “Khi ban đội đi vắng”. Vở kịch là câu chuyện của vợ chồng một nông dân xứ Nghệ, khi mà Ban đội (cán bộ HTX) đi vắng, anh chồng tranh thủ đi buôn một chuyến lên chợ Lường, Đô Lương. Vở “Khi ban đội đi vắng” khi biểu diễn đã thành công vang dội. Trong đó , riêng về bài ca "Giận mà thương" của Nguyễn Trung Phong như là một kiệt tác, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo các làn điệu hát Ví, hát Giặm, trình diễn trên sân khấu ca kịch, vừa mang tính hiện đại nhưng giàu bản sắc địa phương Nghệ Tĩnh. Do vậy, tác phẩm ngay lập tức được đón nhận và có sức sống mãnh liệt. Điều thú vị là "Giận mà thương" khai thác chất liệu dân gian - dân ca Ví, Giặm để tạo nên tác phẩm mới. Và khi đi vào đời sống cộng đồng, nó trở nên thân thuộc, bị fonklore hóa một lần nữa. Điều này khiến hàng vạn, thậm chí hàng triệu người ngâm nga và thuộc bài hát này nhưng nhầm tưởng đây chỉ là tác phẩm dân gian; thậm chí những thuộc tính của văn học dân gian như tính truyền miệng, tính dị bản... cũng rõ nét. Mọi người thường hát: "Phải ngăn anh đi chuyến ngược đường" (nguyên bản: "Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường").
Tác phẩm "Giận mà thương" của Nguyễn Trung Phong ảnh hưởng sâu sắc về giai điệu, cấu trúc cho sáng tác "Trông cây lại nhớ đến Người" của Đỗ Nhuận (thậm chí một số văn bản chú thích tác phẩm này là của Nguyễn Trung Phong, Đỗ Nhuận cải biên; có nơi ghi là đồng tác giả Nguyễn Trung Phong - Đỗ Nhuận). Nhạc "Giận mà thương" được dùng nhạc nền, trình tấu bằng sáo trúc, trong bộ phim tài liệu lớn "Hồ Chí Minh - Chân dung một con người" của Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích.
"Giận mà thương" cũng được trình tấu ở Trung Quốc, do nhạc sư Hà Thiệu độc tấu đàn bầu.
Sau đó, tác phẩm sân khấu lớn nhất của ông Nguyễn Trung Phong là kịch bản chèo “Cô gái Sông Lam” đã đoạt HCV hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962. Tối 27/5/1962, đoàn chèo Nghệ An được mời vào Phủ Chủ tịch công diễn, ngay sau đó Nguyễn Trung Phong đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người.
Đóng góp chưa được ghi nhậnCăn nhà cấp 4 của Nguyễn Trung Phong (Diễn Châu - Nghệ An) giờ chỉ còn bà Nguyễn Thị Sửu (86 tuổi) ở một mình, hương khói cho ông. Thắp nén hương viếng ông, nhìn trên bàn thờ có hai khung ảnh, bên cạnh bức chân dung viền đen là một bức ảnh đen trắng đã ngả màu không còn rõ nét. Bà Nguyễn Thị Sửu nói: “Ngày sắp ra đi, ông dặn cậu con trai đầu vô trong ty Văn hóa tìm chụp lại bức ảnh Bác Hồ tặng huy hiệu cho ông và nhớ đặt lên bàn thờ khi ông mất. Từ ngày có lễ chùa Cổ Am, năm nào ngày lễ nghe nói trong tỉnh về đông lắm, rứa mà có ai ghé qua thắp cho ông nhà tui một que hương mô! Mà lại oan cho tui, hàng xóm coi ti vi thấy diễn và hát những bài của ông Phong, họ lại đến hỏi thăm và cứ tưởng tui nhận được tiền Nhà nước trả cho ông ấy”.
Nhạc sĩ An Thuyên có lần về làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật chào mừng TP Vinh đón nhận quyết định đô thị loại 1, ở Quảng trường Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện giữa những người văn nghệ sĩ, khi Cao Xuân Thưởng nhắc đến Nguyễn Trung Phong và vở Cô gái Sông Lam thì nhạc sĩ An Thuyên tiếc nuối: “Nguyễn Trung Phong xứng đáng được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, nhưng rất tiếc cho đến nay những đóng góp của ông vẫn chưa được ghi nhận”.
Nhà biên kịch Nguyễn Trung Phong đã đi xa dù chưa được nhận một phần thưởng hay danh hiệu nào của Nhà nước nhưng tác phẩm của ông đã ngự trị trong tâm hồn, tình cảm khán giả xứ Nghệ và những người yêu dân ca Ví, Giặm.
Tác giả có lẽ ứng xử với tác phẩm của mình như các bậc tiền nhân: "Văn chương công khí", coi "Giận mà thương" là của tất cả người yêu dân ca xứ Nghệ. Nhưng cũng đã đến lúc chúng ta nên trao Giải thưởng Nhà nước cho tác giả và tác phẩm đặc biệt này!