Tuy nhiên, với BHXH tự nguyện, ngoài lương hưu, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng mọi chính sách thiết thực.
Người làm nghề tự do đóng BHXH tự nguyện được không?
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định.
Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.
BHXH tự nguyện góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi già. Ảnh minh họa |
Anh Trung (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh đi làm và tham gia BHXH bắt buộc tại một DN đã được hơn 5 năm. Giờ anh không còn làm việc tại DN đó nữa mà về nhà kinh doanh tự do. “Tôi đã có sổ bảo hiểm. Tôi băn khoăn không biết muốn tham gia BHXH tự nguyện được không? Nếu được thì tôi có thể dùng sổ bảo hiểm đã được cấp để đóng tiếp được hay không?”.
Được nhân viên đại lý BHXH tư vấn, “công dân từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng).
Ngoài ra, những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, nay chuyển sang làm tự do vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện và đóng ngay trên sổ bảo hiểm đã có. Nếu người tham gia đóng BHXHTN chưa đủ 20 năm, không muốn tham gia BHXHTN nữa thì bảo lưu sau 12 tháng sẽ được hưởng chế độ BHXH một lần.
Tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân
Chính những lợi ích thiết thực do BHXH tự nguyện mang lại nên những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên. Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10/2019 số người tham gia BHXH là hơn 15,3 triệu người, trong đó người tham gia BHXH bắt buộc khoảng 14,898 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 488.000 người; tăng hơn 200.000 người so với cuối năm 2018.
Tại địa bàn Hà Nội, BHXH TP đã yêu cầu cơ quan BHXH các quận, huyện trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tại các quận, huyện ngày càng gia tăng.
Để thu hút thêm nhiều người dân và lao động tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, BHXH TP Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân.
Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Bá Được, tại Nghị quyết số 28/NQ-T.Ư về cải cách chính sách BHXH, T.Ư đã đặt ra mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
“Mục tiêu trên sẽ thuận lợi hơn khi chúng ta sửa Luật BHXH như đề xuất của Bộ LĐTB&XH. Sau này, chúng ta sẽ giảm điều kiện về thời gian để được nhận lương hưu, thay vì 20 năm sẽ giảm xuống 15 năm hoặc là 10 năm như là Nghị quyết T.Ư đã chỉ đạo” - ông Được chia sẻ.