Bạo lực chính trị tồi tệ nhất từ trước tới nay tại Bangladesh kể từ khi Thủ tướng Sheikh Hasina tiếp tục nắm quyền trong cuộc bầu cử tháng 1 có thể khiến nền kinh tế thiệt hại 10 tỷ USD, trở thành trở ngại lớn đối với quốc gia đang tìm cách củng cố lượng dự trữ ngoại hối, theo Bloomberg.
Lệnh giới nghiêm và việc đánh sập mạng Internet diện rộng nhằm dập tắt các cuộc biểu tình của sinh viên về hạn ngạch việc làm của chính phủ ước tính sẽ tác động 10 tỷ USD đến nền kinh tế và chi phí dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa, theo Zaved Akhtar, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà đầu tư nước ngoài Bangladesh (FCCI).
"Trong khi đất nước đang dần phục hồi với kết nối trực tuyến và thực địa còn hạn chế, các hoạt động đầy đủ vẫn chưa trở lại và chúng ta chỉ đạt tối đa 50% tiềm năng kinh tế", Chủ tịch Akhtar cho biết trong một tuyên bố. FCCI đại diện cho các nhà đầu tư từ 35 quốc gia tới hoạt động tại Bangladesh.
Mặc dù những thiệt hại ước tính cho đến nay mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế trị giá 455 tỷ USD, Bangladesh đang ở trong tình thế bấp bênh với dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt. Điều này đồng nghĩa, các cuộc đàm phán giữa chính phủ của Thủ tướng Hasina cùng với các chủ nợ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thêm nguồn tài chính sẽ trở nên cấp bách hơn vì dự trữ trong nước đã giảm xuống còn 21,8 tỷ USD vào tháng trước. Trong khi đó, ngành may mặc vốn là ngành kinh tế chủ lực chính, đang phải vật lộn để nối lại hoàn toàn hoạt động.
Bangladesh đã gỡ bỏ lệnh chặn internet hôm 28/7 sau 11 ngày "sập nguồn" hoàn toàn và chính quyền đã nới lỏng lệnh giới nghiêm bằng cách kéo dài thời gian nghỉ ban ngày để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên cùng lúc, lực lượng an ninh ghi nhận đã bắt giữ khoảng 10.000 người trong 12 ngày qua, theo tờ báo Prothom Alo, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc đàn áp sẽ mở rộng sau khi các cuộc biểu tình lắng xuống.
Thủ tướng Bangladesh Hasina khẳng định phe đối lập phải chịu trách nhiệm vì đã lợi dụng các cuộc biểu tình của sinh viên và thực hiện các cuộc tấn công sau khi tòa án tối cao ra phán quyết bãi bỏ hầu hết hệ thống hạn ngạch việc làm của chính phủ. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết bạo lực đã khiến 200 người thiệt mạng, trong khi Bộ Nội vụ nước này đưa ra số người tử vong ban đầu là 147.
Tình trạng bất ổn trên toàn quốc bùng phát sau sự phẫn nộ của các sinh viên đối với hạn ngạch làm việc của chính phủ, trong đó bao gồm 30% dành cho gia đình của những người đấu tranh giành độc lập khỏi Pakistan.
Chính phủ Bangladesh đã bãi bỏ hệ thống hạn ngạch vào năm 2018, nhưng một tòa án đã khôi phục lại hệ thống này vào tháng trước. Các cuộc biểu tình cũng được thúc đẩy bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, vốn chiếm gần 1/5 dân số.