Liên tiếp các vụ bạo lực học đường
Tối 12/11, video một nữ sinh bị đánh hội đồng được lan truyền rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội. Trong video, nạn nhân ngã trên nền gạch, liên tiếp bị nhóm nữ sinh đánh, đá vào đầu…. nên chỉ ôm mặt khóc. Sự việc sau đó được xác định xảy ra tại Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Lên tiếng xác nhận, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Minh Nguyễn Xuân Pôn cho biết, sự việc xảy tại tại trường mình sau giờ tan học. Cụ thể, lúc 16 giờ 45 ngày 10/11/2023, 4 học sinh, gồm Tố U. (học sinh đã nghỉ học); Bảo A., Hương L. và Mai U., đều là học sinh Trường THCS Tân Minh đã đến gặp để gây sự với em Thu N, học sinh lớp 6D, sau đó quay clip rồi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội. Đáng lưu ý, trong nhóm nữ sinh này có Mai U. vừa đến trường sau thời gian bị đình chỉ học do có xô xát với bạn học.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cùng công an địa phương vào cuộc lập biên bản sự việc và kịp thời đưa em N. đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Cùng việc thăm nom, động viên em N., Cơ quan công an huyện Thường Tín và Công an xã Tân Minh đang tích cực củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định.
Sự việc một nhóm nam sinh tại Đắk Lắk đánh bạn đến gãy ngón tay xảy ra trưa 3/11 cũng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Vào thời điểm trên, một nhóm nam sinh đã tham gia đánh em Trần Vũ Quốc Đ. (lớp 9G Trường THCS Hùng Vương).
Được biết, hiện các học sinh và phụ huynh có liên quan được công an phường Tự An mời lên làm việc. Phụ huynh của những học sinh tham gia đánh em Đ. đã tới nhà thăm hỏi, động viên và chịu các khoản chi phí, thuốc men cho em Đ.
Trước đó, một clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh 3 nữ sinh thay nhau đánh, đấm, đá túi bụi vào đầu, vào mặt một nữ sinh khác. Nữ sinh bị đánh chỉ biết ôm đầu chịu trận. Thậm chí khi đã bị đánh ngã lăn ra sàn nhà vệ sinh, em vẫn bị bạn túm tóc và tiếp tục đấm. Vụ việc được xác định xảy ra đầu năm học trong nhà vệ sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã có hình thức kỷ luật hạ hạnh kiểm nhóm nữ sinh đánh bạn, đồng thời bổ sung hình thức kỷ luật nữa là đọc sách. Theo đó, nhóm học sinh đánh bạn sẽ phải đọc sách, chủ yếu là sách Đạo đức trong vòng 2 tuần vào các giờ ra chơi, ở thư viện. Trong quá trình đọc sách, các em phải chiêm nghiệm những câu chuyện và viết cảm nhận của bản thân rồi kể lại cho toàn trường nghe.
Đẩy mạnh biện pháp xử lý
Chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo Trung ương) bày tỏ: BLHĐ không chỉ là vấn đề gây nhức nhối toàn xã hội mà còn là vấn đề mang tính quốc gia. Làm sao để hạn chế BLHĐ có vai trò giáo dục của nhà trường nhưng trách nhiệm cao hơn, nặng hơn thuộc về gia đình và xã hội.
Dưới góc nhìn tâm lý, theo TS Nguyễn Thanh Sơn: Nếu giải quyết vấn đề BLHĐ đối với học sinh- khi sự việc đã diễn ra thì mới là xử lý phần ngọn; muốn triệt để giải quyết tình trạng này, phải bắt đầu từ gốc, đó là từ gia đình và xã hội.
“Sinh ra trong hoàn cảnh xã hội hiện đại với công nghệ phát triển, giữa luồng thông tin tốt và xấu thì học sinh có xu thế dễ tiếp cận thông tin xấu dẫn đến hình thành tư duy, lối sống tiêu cực. Hơn nữa, trong gia đình, nhiều nhà cha mẹ gặp biến cố trong làm ăn, áp lực về kinh tế dẫn đến có lời ăn tiếng nói cộc cằn, thô lỗ hoặc giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Chứng kiến hết hình ảnh và lời nói đó, đứa trẻ dù muốn hay không cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, TS Nguyễn Thanh Sơn phân tích.
Về vấn đề kỷ luật, xử lý học sinh, TS Nguyễn Thanh Sơn đặt câu hỏi: Công tác kỷ luật học sinh đã tương xứng với hành vi BLHĐ mà các em đã gây nên chưa?; đồng thời đặt vấn đề về việc phải tìm hình thức xử lý tích cực hơn, mạnh mẽ hơn với hành vi BLHĐ.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, ngành giáo dục không phải là ngành công an nên không thể đưa ra hình thức luật cứng nhắc hoặc phương pháp trừng trị học sinh. Kỷ luật trong giáo dục là kỷ luật để học sinh tốt hơn, để các em nhận ra cái sai của mình mà sửa chữa và không lặp lại.
Về hình thức xử lý học sinh có hành vi BLHĐ, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đưa ra 3 giải pháp căn cơ cần đồng thời thực hiện.
Thứ nhất, đẩy mạnh văn hóa học đường; duy trì bền bỉ, lâu dài công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, đạo đức lối sống cho học sinh trong mọi nhà trường. Chỉ khi học sinh hình thành giá trị sống vững vàng, được trang bị đầy đủ kỹ năng thì sẽ hạn chế hành vi bạo lực.
Thứ hai, cần đẩy mạnh hình thức xử lý hành vi BLHĐ. Khi học sinh gây nên hành vi bạo lực, phải để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi mình đã gây nên trước cơ quan pháp luật.
“BLHĐ thường xâm phạm nghiêm trọng thể chất, sức khỏe, tinh thần của người khác, là hành vi vi phạm pháp luật nên cơ quan pháp luật phải có hình thức xử lý giáo dục. Hiện đa phần các vụ BLHĐ mới chỉ dừng lại ở việc gia đình hai bên gặp mặt, học sinh có hành vi bạo lực xin lỗi, hứa không tái phạm nên chưa thể phát huy tác dụng. Không dừng lại ở đó, bố mẹ của học sinh có hành vi bạo lực với bạn học cũng phải bị xử lý hành chính và có văn bản bảo lãnh con. Chỉ khi gia đình chịu áp lực thì trách nhiệm giáo dục con cái, ngăn chặn hành vi vi phạm mới có hiệu quả và đảm bảo tính răn đe”, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.
Thứ ba, nhà trường đưa ra các hình thức giáo dục tiếp theo với học sinh gây nên hành vi bạo lực như đọc sách, lao động… Gia đình, nhà trường, học sinh phải cam kết không để hành vi BLHĐ xảy ra.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng địa phương cần có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôc đốc, nhắc nhở thầy trò, cha mẹ cùng tham gia tích cực vào công tác phòng chống BLHĐ. Chỉ khi các bên cùng có trách nhiệm và cùng hành động thì mới ngăn ngừa được tình trạng nhức nhối nêu trên.
“Từ ngày 1/9/2021 đến 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 là nữ; bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra một vụ BLHĐ. Nhìn chung, diễn biến của BLHĐ khá phức tạp, số vụ có nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý… Tôi mong các ngành có liên quan hỗ trợ, cùng với ngành giáo dục giải quyết những vấn đề này” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.