Bảo mật và an toàn thông tin: Lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quy mô lên tới 2.300 tỷ đồng trong năm 2021, bảo mật và an toàn thông tin ở Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn và có tiềm năng lớn trong tương lai. Đáng chú ý, việc chiếm giữ “miếng bánh” này đang có lợi thế thuộc về doanh nghiệp trong nước.

Nhu cầu cấp thiết
Chuyển đổi số đang là hướng đi bắt buộc để Việt Nam dần thay đổi từ mô hình kinh tế - xã hội thông thường sang mô hình kinh tế số - xã hội số nhằm thực hiện mục tiêu đưa quốc gia phát triển thịnh vượng hơn. Cùng với việc số hóa mọi mặt của đời sống, kinh tế … bảo mật và an toàn thông tin được xem như là yếu tố cốt lõi để thực hiện quá trình chuyển mình này.
Trên thực tế, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, tình hình an ninh mạng ở Việt Nam chưa bao giờ hạ nhiệt và theo thời gian càng trở nên nguy hiểm hơn.
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), trong 9 tháng đầu 2021, đã có 6.156 cuộc tấn công mạng gây ra thiệt hại tới các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 30,15% so với cùng kỳ năm ngoái.
 An toàn thông tin là yếu tố cốt lõi của quá trình chuyển đổi số quốc gia
Không chỉ tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công mạng mà đối tượng được hướng đến cũng dễ dàng hơn cũng như gây thiệt hại lớn hơn. Cụ thể, các cuộc tấn công giờ đây sẽ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp, người dùng trong các mảng tài chính, bảo hiểm, mua sắm trực tuyến … Gần như bất cứ hoạt động online nào cũng có bóng dáng của tin tặc trong đó.
Số liệu từ Viettel Cyber Security cho thấy, 2021 là quãng thời gian số lượng tên miền lừa đảo tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mỗi quý có khoảng 600 - 700 tên miền dạng này xuất hiện, đồng nghĩa với mỗi ngày có trung bình 5 – 10 website lừa đảo được hoàn thiện để “giăng bẫy” người dùng. 
Đỉnh điểm là trong năm 2021, đã xuất hiện hàng loạt vụ lộ thông tin cá nhân của người dùng với quy mô lớn. Tiêu biểu là vào tháng 5/2021, thông tin của 10.000 người Việt đã bị rao bán trên mạng, trong đó bao gồm nhiều dữ liệu quan trọng như tên - ngày sinh - email - điện thoại - CMT/CCCD.
Bên cạnh đó, theo thống kê, từ đầu năm tới hiện tại đã có hơn 100 nghìn tài khoản và mật khẩu trong hệ thống nội bộ trọng yếu của các tổ chức, doanh nghiệp bị đưa lên không gian mạng.
Đánh giá về tình hình an ninh mạng trong thời gian gần đây, Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng (Viettel Cyber Security) Trần Minh Quảng cho rằng, người dùng và doanh nghiệp sẽ luôn phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn thông tin mới. Các cuộc tấn công của tin tặc sẽ ngày càng nguy hiểm, tinh vi đến từ các tổ chức được đào tạo chuyên nghiệp cùng tiềm lực tài chính dồi dào, đủ khả năng thực hiện những vụ việc có quy mô lớn.
Đặc biệt là các cuộc tấn công vào doanh nghiệp Việt ngày càng tăng mạnh và sẽ là xu hướng chính của những năm sắp tới. Trong đó dữ liệu người dùng sẽ là đích ngắm chính của tin tặc. Tuy nhiên, thời gian phản ứng của các doanh nghiệp trước mỗi cuộc tấn công là quá lâu, mất xấp xỉ 1 tháng để khắc phục, điều này không chỉ gây mất an toàn cho hệ thống mà còn tạo ra nhiều rủi ro cho người dùng.
Với sự gia tăng mạnh mẽ về nguy cơ rủi ro mất an toàn thông tin, các tổ chức, doanh nghiệp cần thích nghi và có biện pháp phản ứng hiệu quả cũng như chú trọng vào bảo vệ an toàn thông tin nhiều hơn so với trước đây. Nhất là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người dùng cuối cần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống tấn công cho chính bản thân cũng như khách hàng, đặc biệt là tổ chức ngân hàng, tài chính, ông Trần Minh Quảng đưa ra lời khuyên.
Doanh nghiệp Việt chiếm lợi thế
Có thể nói trước tình trạng đáng báo động về an toàn thông tin trong bối cảnh hiện tại cũng như tương lai, thị trường an ninh mạng của Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn. Đáng chú ý, trong lĩnh vực này, lợi thế đang thuộc về doanh nghiệp trong nước thay vì các tập đoàn nước ngoài như thường thấy ở các hạng mục khác.
Số liệu của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, nếu như 20215, tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn thông tin, an ninh mạng của Việt Nam chỉ chiếm 5%, thì đến năm 2020 con số này đã đạt 91% và 2021 ước đạt 100%. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh thu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam so với sản phẩm nước ngoài tăng từ 18% (2015) lên 45% (2020), năm 2021 ước đạt hơn 50%. 
Ngoài ra, thị trường này đang có mức độ tăng trưởng cực nóng về doanh thu. Nếu như 2016, quy mô toàn thị trường chỉ là 400 tỷ đồng thì tới 2021, con số này đã là 2.300 tỷ đồng. Xu hướng quan tâm tới an ninh mạng của doanh nghiệp cũng đang dần gia tăng, hiện đã có khoảng hơn 87% doanh nghiệp vừa và nhỏ của tăng đầu tư vào an ninh mạng với 39% trong số này tăng hơn 5%.
Đáng chú ý, hiện Việt Nam đang là một trong số ít quốc gia đã xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa, có thể tự chủ về công nghệ và giải pháp an toàn, an ninh mạng. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chiếm được thị phần chủ đạo cũng như tạo tiếng vang với thị trường thế giới như Viettel Cyber Security, Công ty cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC), Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) …
Nói về cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc cho rằng, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu sẽ trở thành cường quốc an toàn an ninh mạng, không chỉ là về sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn có thể làm ra các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin để xuất khẩu ra nước ngoài. Để hoàn thành mục tiêu này, doanh nghiệp trong nước sẽ đóng vai trò chủ đạo.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp an toàn thông tin trong nước như quảng bá, tổ chức chương trình bình chọn, diễn đàn … qua đó đã mang lại hiệu ứng tốt đối với sản phẩm, giải pháp của nhiều doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện mức đầu tư cho an toàn thông tin ở nước ta đang còn thấp, chỉ chiếm khoảng 5% ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin, trong thời gian tới Bộ sẽ thúc đẩy con số này lên khoảng 20%. Không chỉ dừng lại ở các cơ quan nhà nước, các lĩnh vực quan trọng khác như ngân hàng, tài chính, y tế … sẽ được tăng cường bảo vệ hạ tầng với giải pháp đến từ doanh nghiệp trong nước.
Tự chủ công nghệ, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn an ninh mạng là giải pháp căn cơ để bảo đảm an toàn an ninh mạng Việt Nam. Phát triển hệ sinh thái an toàn an ninh mạng Việt Nam chính là tiền đề phát triển nền công nghiệp an toàn an ninh mạng Việt Nam, ông Nguyễn Thành Phúc khẳng định.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Nguyễn Thành Hưng cho rằng ở lĩnh vực an toàn thông tin cơ hội đang là rất lớn dành cho doanh nghiệp trong nước. 
Việc bảo đảm an toàn thông tin của đất nước dựa trên nền tảng rất quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái do chính các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Có thể khẳng định các sản phẩm, dịch vụ giải pháp “Make in Vietnam” đã sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Thành Hưng nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần