Theo tác giả bài báo, trong số gần 30 quốc gia có mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dương vào năm 2020, Việt Nam nổi lên với tốc độ tăng trưởng 2,91%. Kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng 3,6% trong 11 tháng đầu năm lên 490 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Nga cũng có những bước tiến tích cực trong quan hệ kinh tế thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong ASEAN và lớn thứ 5 trong số các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Số liệu thống kê của Nga cho thấy, thương mại của nước này với Việt Nam đã tăng 11,5% lên 4,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020.
Tác giả cho rằng những thành tựu này là do đất nước đã chiến đấu thành công đại dịch Covid-19 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời cho rằng các biện pháp đã thực hiện Việt Nam không chỉ quyết liệt, mạnh mẽ mà còn công khai, minh bạch. Đặc biệt, phản ứng của công chúng đối với hành động của nhà chức trách là vô cùng tích cực.
Bài báo lưu ý, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2, nhằm đánh giá việc thực hiện các nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội trước.
Tác giả cũng trích dẫn một phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 8/2020, cho biết tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,9% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020. Nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển đất nước theo hướng hiện đại hóa và thoát khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2025.
Đến năm 2030, tròn 100 năm thành lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành một nước đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại và người dân có thu nhập trung bình cao. Năm 2045, khi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập, quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.
Về chính sách đối ngoại, tác giả cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong năm 2020, và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức tốt các hoạt động của khối dưới hình thức hội nghị truyền hình và thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bài báo ghi nhận, vào ngày đầu tiên của năm 2020, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Đánh giá cao chính sách đối ngoại hòa bình của Việt Nam, tác giả cho rằng cả Việt Nam và Nga, với cách tiếp cận tương tự, sẽ góp phần củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.