Bảo quản cơm trong tủ lạnh
Nếu nhà bạn nấu cơm bằng nồi cơm điện thì đừng quên sử dụng chế độ “giữ nhiệt” (kí hiệu là “warm” hoặc “hâm”) – ở chế độ này sẽ giúp duy trì cơm trong nồi luôn ở mức 60 độ C để ngăn chặn vi khuẩn Bacillus cereus phát triển trở lại cũng như không để xảy ra tình trạng hồ hóa tinh bột.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Nếu đã lấy cơm ra ngoài nồi cơm điện thì bạn nên dùng hết trong vòng 5 tiếng. Còn nếu muốn bảo quản cơm cho ngày hôm sau, bạn hãy áp dụng cách sau:
- Sau khi cơm chín, bạn hãy đặt nồi cơm ở nơi thoáng mát để nguội, không để các thực phẩm hoặc thức ăn khác dính vào cơm. Lưu ý: nên dùng rổ thưa thay vì dùng nắp đậy kín nồi cơm nóng vì sẽ khiến cơm nhanh bị thiu do hấp hơi nước.
- Khi cơm đã nguội, bạn cho cơm vào hộp đậy kín và đặt vào ngăn mát của tủ lạnh.
- Hôm sau, chỉ cần lấy hộp cơm ra hâm lại với lò vi sóng hoặc hấp lại là có thể sử dụng được ngay.
Bảo quản cơm ở nơi thoáng mát
Với cách bảo quản này, bạn chỉ cần đậy cơm nguội lại bằng rổ thưa, sau đó đặt ở nơi khô ráo và thoáng mát.
Lưu ý rằng cơm đã để bên ngoài trên 6 tiếng hoặc bảo quản trong tủ lạnh hơn 24 tiếng thì không nên sử dụng. Bạn cũng cần nhớ rằng: không nên hâm, chiên hoặc làm nóng cơm quá 2 lần nếu không cơm sẽ bị hồ hóa và mất chất dinh dưỡng.
Hấp cơm đúng cách
– Hấp cơm cũ với cơm mới: tuyệt đối không được đảo đều phần cơm hấp với cơm mới. Tốt nhất nên ăn hết phần cơm hấp sau đó mới xới đều phần cơm mới nên để ăn, nếu vẫn thừa thì tiếp tục hấp lại để đề phòng trường hợp cùng một lượng cơm hấp đi hấp lại nhiều lần.
Trừ trường hợp chắc chắn sẽ dùng hết cả cơm cũ và cơm mới thì chúng ta có thể sử dụng cách sau: Khi nồi cơm mới cạn, khoét một chút cơm mới vừa bằng chỗ cơm nguội. Tiếp theo đổ vào đó chút nước nóng và cho phần cơm nguội vào, sau đó lấy cơm mới vùi lấp lại. Cứ như thế, để cơm nhỏ lửa. Đối với nồi cơm điện thì dễ dàng hơn, chỉ cần cho cơm vào và bật lại nấc nấu (chú ý để cơm nức rồi hãy bật). Khi nào bốc hơi lên, nảy nấc là có được nồi cơm nguội vừa ngon vừa nóng hổi.
– Hấp bằng nồi cơm điện: Hãy cho ít nước nóng vào nồi. Cơm nguội cũng cho vào nồi, đảo đều cơm với nước, bật nút nấu và chờ sau vài phút là ta đã có được nồi cơm nóng ngon như mới nấu.
– Hấp bằng lò vi sóng: Cho cơm nguội vào bát thủy tinh, lấy màng bọc thực phẩm bọc kín lại (không để màng bọc tiếp xúc trực tiếp với cơm) rồi cho vào nồi vi sóng, sau vài phút ta sẽ được bát cơm rất ngon mà không bị khô.
– Có thể cho cơm nguội vào xửng hấp bánh và đừng quên cho ít muối vào nước hấp là được.
– Ngoài ra có thể chế biến cơm nguội còn thừa thành món cơm chiên tỏi hoặc cơm chiên dương châu đầy hấp dẫn, ngon miệng và an toàn.