Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 1

Tình trạng thép cán nóng (HRC) Trung Quốc giá rẻ ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam làm dấy lên lo ngại hàng sản xuất trong nước bị đè bẹp. Giới chuyên gia cho rằng không thể chậm trễ hơn nữa việc áp dụng giải pháp cấp thiết bảo vệ sản xuất trong nước, trong khi các DN thép vẫn “đỏ mắt” chờ đợi một cuộc điều tra chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc từ cơ quan có thẩm quyền.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 2

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% tổng số lượng nhập khẩu với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 3

Xu hướng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam gia tăng đã thể hiện rõ rệt qua từng năm. Cụ thể, nếu như năm 2022 lượng sản phẩm HRC được nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đạt hơn 3 triệu tấn thì đến năm 2023 con số này đã tăng lên hơn 5,72 triệu tấn, tăng hơn 47%. Số lượng sản phẩm nhập khẩu đã vượt xa con số sản xuất trong nước. Đáng chú ý, thép HRC từ Trung Quốc luôn rẻ hơn nhiều so với các quốc gia. Cụ thể, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm luôn thấp hơn giá bình quân các thị trường khác từ 32 - 59 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 4

Việc thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khiến thị phần sản phẩm thép cán nóng của 2 DN sản xuất tại Việt Nam là Hòa Phát và Formosa ngày càng sụt giảm. Năm 2022, thị phần thép HRC của 2 DN này đạt 45% tổng thị phần trong nước thì bước sang năm 2023 giảm xuống chỉ còn 30%. Trong năm vừa qua, sản xuất của 2 DN nói trên chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021 do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 5

Trên cơ sở hành vi nhập khẩu ồ ạt HRC suốt một thời gian, Hòa Phát và Formosa đã gửi đơn điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu, đơn đang trong quá trình thẩm định của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ, không nước nào trên thế giới chấp nhận hàng hóa nhập khẩu tràn vào với số lượng nhiều hơn cả lượng sản xuất trong nước. Nhập khẩu ồ ạt sớm muộn sẽ đè bẹp sản xuất trong nước. Việc kiến nghị điều tra chống bán phá giá là biện pháp tự vệ bình thường xảy ra thường xuyên ở nhiều nước trên thế giới. DN Việt Nam cũng đối diện với hành vi điều tra chống bán phá giá ở các nước nhập khẩu hàng hóa.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 6

Trong khi Việt Nam chưa áp dụng giải pháp nào để chặn lượng hàng HRC nhập khẩu giá rẻ thì nhiều nước đều áp dụng các chính sách phòng vệ thương mại đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Đơn cử Thái Lan đang điều tra, xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá mới với thép cán nóng từ Trung Quốc. Indonesia đã gia hạn áp thuế chống bán phá giá HRC từ Belarus, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Kazakhstan, Nga và Thái Lan… Hay như Mỹ, lượng nhập khẩu chỉ bằng 10% sản xuất trong nước, song nước này không những áp thuế chống bán phá giá mà còn áp ngay điều 232 về đạo luật thương mại mở rộng khi sản phẩm bị điều tra được cho là đe dọa đến an ninh quốc gia để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 7

Nêu quan điểm về việc việc thép HRC nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, bỏ xa lượng sản xuất trong nước, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhận định, đây là hiện tượng phi lý, không thể chấp nhận được. Điều này cần thiết phải được điều tra cụ thể và có giải pháp để chống gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh. Trước đó, nhiều sản phẩm thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã gây tác động tiêu cực cho sản xuất và thị trường trong nước. Vì thế, không cần đợi đến khi DN có đơn yêu cầu điều tra mà cơ quan quản lý nhận thấy có dấu hiệu tác động tiêu cực từ sản phẩm nhập khẩu cũng có thể tiến hành điều tra. Điều này là bảo vệ lợi ích chính đáng cho DN sản xuất trong nước.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 8
Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 9

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hiện tại đã có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh thì cơ quan quản lý cần phải có cuộc điều tra cụ thể. Bởi, nếu chậm trễ, sản phẩm giá thấp nhập khẩu càng nhiều sẽ gây nguy hại cho DN, thậm chí ngành sản xuất trong nước bị thu hẹp, nhiều hệ lụy xảy ra. Đó là một số lượng lớn người lao động bị mất việc gây tác động nặng đến an sinh xã hội; sản xuất của Việt Nam khó tự chủ khi bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Bày tỏ lo ngại về thực trạng này, PGS.TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, DN cần các quyết sách từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nhanh hơn, phản ánh với biến động của thị trường nhanh nhất. Nếu càng kéo dài và không có giải pháp gì, hàng HRC nhập khẩu giá thấp tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Do đó, một cuộc điều tra chi tiết, rõ ràng là rất cần thiết để bảo vệ sản xuất thượng nguồn của ngành thép vốn là xương sống của một nền kinh tế.

"Thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất vỏ tàu, vỏ xe ô tô hay đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất tiêu dùng. Nếu Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thì sản xuất trong nước cũng không ổn định, không thể phát triển mạnh” – PGS.TS Phan Đăng Tuất nhấn mạnh.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 10

Trong các năm qua, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với 7 sản phẩm thép trong nước, trong đó các sản phẩm hạ nguồn của HRC là tôn mạ màu, tôn mạ kẽm/mạ lạnh, tôn cán nguội, thép không gỉ chiếm hơn 50%. Trung Quốc luôn là quốc gia bị cáo buộc bán phá giá trong tất cả các vụ kiện chống bán phá giá thép cán nguội, tôn mạ màu, mạ kẽm hay thép không gỉ trước đây. Trong khi tỷ trọng HRC trong cơ cấu giá thành các sản phẩm tôn cán nguội, tôn mạ, tôn màu, mạ kẽm chiếm từ 85 - 96%. Vì thế, các sản phẩm hạ nguồn đều có biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài bán phá giá thì sẽ là vô lý khi các sản phẩm HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các mặt hàng trên lại không phá giá?

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 11

Về lâu dài, rõ ràng việc sử dụng thép cán nóng của nhà sản xuất Việt Nam là bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững cho các DN sản xuất các sản phẩm hạ nguồn tại các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tránh được các rủi ro trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu sử dụng các nguồn nguyên liệu phá giá từ Trung Quốc bị các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU áp dụng biện pháp lẩn tránh thuế. Rủi ro này là hiện hữu và vô cùng rõ rệt với các vụ kiện lẩn tránh thuế mà Mỹ điều tra trong những năm gần đây. Việc sử dụng tỷ trọng lớn thép cán nóng có nguồn gốc từ nội địa về lâu dài sẽ là yếu tố tích cực với các hoạt động xuất khẩu, làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch của xuất xứ hàng hóa.

Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 12
Bảo vệ ngành thép sản xuất trong nước: Không thể chậm trễ hơn - Ảnh 13

10:41 21/05/2024