Bảo vệ người chưa thành niên trước nguy cơ bị xâm hại

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người chưa thành niên rất non nớt, chưa đủ sức khỏe cũng như khả năng tự bảo vệ, ứng phó trước nguy cơ bị xâm hại. Khi bị xâm hại, các em thường không dám tố giác kẻ phạm tội vì bị đe dọa, sợ bị mắng, nên thường một mình cam chịu tổn thương.

Theo Bộ Công an, trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, có nguyên nhân xuất phát từ chính gia đình. Việc một số cha mẹ xao nhãng, bỏ mặc con cái chính là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em. Hoặc tình trạng cha mẹ ly hôn, ly thân hay mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… không có điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục các em, thường để các em ở nhà một mình, gửi cho đối tượng không đáng tin cậy. Hoặc do sự thiếu thốn tình cảm, sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, không được học hành chu đáo, các em bị lợi dụng, rủ rê vào các hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, do bản thân phụ huynh không nhận thức được trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Họ e ngại, thậm chí không dạy trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản. Hậu quả, trẻ thiếu kỹ năng phòng tránh, tự vệ và phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng. Nhiều vụ án mà bị can là người chưa thành niên (chưa đủ 16 tuổi), nghĩ rằng quan hệ tình dục giữa 2 người là sự tự nguyện, không biết rằng mọi hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi là phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Khi trẻ bị xâm hại, gia đình có tâm lý chung là ngại tố cáo tội phạm, cho qua hoặc giấu kín vì sợ tai tiếng, ảnh hưởng đến danh dự của trẻ và gia đình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Tất cả những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em (xâm hại tình dục, dâm ô…) tác động rất lớn đến quá trình phát triển tâm lý và thể chất của trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị đẹp đẽ của đạo đức xã hội, sự phát triển của đất nước. Do đó, hành vi này cần được phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời bởi sự tham gia phối hợp, chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, gia đình và toàn xã hội.

Tại Lễ công bố khung hợp tác kéo dài 3 năm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên, bảo vệ người chưa thành niên khỏi bị xâm hại diễn ra ngày 14/6, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Năm 2020, theo ước tính của Chính phủ Việt Nam, số trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau bao gồm bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc chiếm khoảng 5% tổng số trẻ em Việt Nam. Việt Nam hiện đã hình thành Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở 60% tỉnh, thành phố trên cả nước. Bây giờ chính là lúc để hoàn thành tiến trình này và bảo đảm rằng các nhu cầu đặc biệt và tính dễ bị tổn thương của trẻ em được cân nhắc đầy đủ.

Nhiều bằng chứng trên thế giới cho thấy, trẻ em cần tiếp cận các cơ chế tư pháp hoặc bảo trợ xã hội cũng chính là nhóm phải đối mặt với nguy cơ bị mua bán và bóc lột cao hơn hẳn, vì vậy, nhóm dễ bị tổn thương này phải nhận được sự quan tâm đặc biệt, thậm chí là cấp thiết từ các bên liên quan. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an Việt Nam, trẻ em chiếm khoảng 40% tổng số nạn nhân bị mua bán được xác định trong năm 2021.

Bằng chứng thực tế cũng chỉ ra rằng những tác động về mặt kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra càng khiến số trẻ em dễ bị tổn thương tăng cao, bao gồm trẻ em trong các gia đình bị mất nguồn sinh kế; gia tăng bạo hành và bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình; ngày càng nhiều trẻ phải bỏ học để đi làm kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Thực tế các vụ việc xảy ra cũng cho thấy các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương chính là mục tiêu mà những kẻ mua bán người thường xuyên nhắm đến, không chỉ tại địa phương mà cả trên môi trường mạng.

Bên cạnh một khung pháp lý vững chắc, việc triển khai thi hành pháp luật một cách hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng, quan hệ hợp tác lần này sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào nâng cao năng lực toàn diện, nhằm bảo đảm thay đổi cách tư duy và phương pháp hoạt động bằng cách làm việc trực tiếp với các bên có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là các bên liên quan trong khối tư pháp. Tổ chức Di cư quốc tế và UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ Việt Nam để triển khai thực hiện các hoạt động dự án.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội), để phòng tránh xâm hại trẻ em, phải tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự phối hợp giữa gia đình- nhà trường - xã hội. Đặc biệt, phụ huynh phải hơn ai hết nhận thức rõ trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục giới tính và quản lý, bảo vệ con em mình phòng tránh nguy cơ bị xâm hại; kịp thời tố giác các hành vi xâm hại. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp các em nâng cao cách nhận biết, phòng tránh các hành vi xâm hại tình dục. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tội phạm xâm hại tình dục, về các vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi, giới tính sẽ giúp nâng cao nhận thức của từng cá nhân để chủ động và có những kỹ năng cần thiết trong việc phòng tránh và ngăn ngừa tội phạm xâm hại tình dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần