Bấp bênh đời sống vạn chài

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một đời lênh đênh trên sông nước, mong mỏi lớn nhất của những cư dân làng chài Trung Quan (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là sớm được an cư trên bờ. Nhưng giấc mơ đó sẽ khó lòng trở thành hiện thực nếu không có sự sẻ chia, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương.

Ở làng chài Trung Quan hiện vẫn còn gần 20 hộ dân sinh sống trên sông nước. Ảnh: Lâm Nguyễn  
Ở làng chài Trung Quan hiện vẫn còn gần 20 hộ dân sinh sống trên sông nước. Ảnh: Lâm Nguyễn  

Nhọc nhằn mưu sinh

Chiều dần buông nơi làng chài Trung Quan. Tàu thuyền lũ lượt cập bờ sau ngày dài rong ruổi đánh bắt tôm, cá trên sông Hồng. “Đợt này nước sông lên cao nên việc đánh bắt thủy sản khó khăn lắm. Có ngày lênh đênh cả buổi cũng chỉ thu về được mấy cân tôm, cá…” - Ông Nguyễn Văn Hùng, ngoài 50 tuổi, chia sẻ với chúng tôi trong khi neo tàu vào bờ.

Từ khi còn tấm nhỏ, ông Hùng đã theo chân bố mẹ đến làng chài Trung Quan sinh sống và khai thác thủy sản. Đến nay, một trong hai người con trai của ông Hùng vẫn tiếp tục theo nghề chài lưới. Dù vậy, cuộc mưu sinh dựa vào con nước chưa bao giờ là dễ dàng đối với những ngư dân ở làng chài ven sông Hồng.

Vào những tháng cao điểm mùa mưa lũ, việc đánh bắt thủy sản gặp nhiều khó khăn do con nước lên xuống thất thường. Hồ chứa thủy điện xả lũ cũng là một phần nguyên nhân khiến việc đánh bắt tôm, cá của ngư dân làng chài thêm phần biến động...

Bên cạnh quây lưới đánh bắt theo phương thức thông thường, những năm gần đây, nhiều ngư dân đã đầu tư “rọ bát quái” để khai thác thủy sản. Đây là phương thức đánh bắt không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sức khỏe tốt, bởi mỗi chiếc rọ dài hàng chục mét và rất nặng; thanh niên trai tráng cũng cần 2 - 3 người mới nâng lên được.

Trưởng thôn Trung Quan 3 (xã Văn Đức) Trịnh Xuân Đường cho biết, làng chài hiện có hơn 60 hộ tham gia khai thác thủy sản trên sông Hồng. Dù đã an cư trên bờ, hay còn lênh đênh dưới sông nước, đây vẫn là nguồn thu nhập chính của ngư dân làng chài.

Chỉ tay về phía sông Hồng, ông Nguyễn Văn Hiền, năm nay gần 70 tuổi, kể rằng, ngày trước khi nước sông Hồng được bồi đắp phù sa liên tục, tôm cá rất nhiều; nay nhiều công trình thủy điện được xây dựng chặn dòng trên thượng lưu, nguồn lợi thủy sản cũng ngày một giảm…

Không chỉ vậy, giá xăng dầu thời gian qua tăng cao cũng khiến chi phí vận hành phương tiện khai thác thủy sản tăng theo, gia tăng áp lực lên những ngư dân làng chài Trung Quan. Nhiều thời điểm, phương tiện phải nằm bờ vì tính toán thu không đủ bù chi. Cuộc mưu sinh dựa vào con nước đã khó nay càng thêm khó.

Nghề nuôi cá lồng mang lại thu nhập khá cho ngư dân làng chài Trung Quan.
Nghề nuôi cá lồng mang lại thu nhập khá cho ngư dân làng chài Trung Quan.

Nuôi cá lồng không chỉ có... màu hồng

Sinh kế từ khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, những năm gần đây, cư dân làng chài Trung Quan đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng. Dù vậy, phương thức sản xuất mới cũng chứa đựng nhiều rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, một trong những hộ đầu tiên áp dụng phương thức nuôi cá lồng ở làng chài Trung Quan, cho biết mô hình được bà con tự học hỏi là chính. “Mỗi lồng cá có diện tích phổ biến khoảng 100 - 150m3. Nếu điều kiện thuận lợi thì một năm cũng thu được khoảng 20 triệu đồng cho mỗi lồng cá…” - ông Tuyến cho hay. Hiện, ông Tuyến chủ yếu nuôi các loài cá trắm, cá rô phi, cá ngạnh lai và đôi khi cả giống đặc sản là cá lăng.

Theo ông Tuyến, lợi nhuận từ nuôi cá lồng không quá lớn, nhưng tương đối ổn định trong điều kiện thuận lợi, đủ để giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, việc sản xuất không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bà Trịnh Thị Thi, cư dân làng chài Trung Quan, năm nay gần 60 tuổi, vẫn nhớ như in vụ sản xuất thất bát của năm trước khiến gia đình đến nay chưa thể trả hết nợ nần.

Nguyên nhân là bởi mấy lồng cá của gia đình không hiểu sao bị chết trước ngày thu hoạch… Nguồn nước sông Hồng ngày một ô nhiễm do nước thải từ các hoạt động sản xuất dọc sông Hồng được nhiều ngư dân ở làng chài Trung Quan đánh giá là một trong những nguyên nhân tác động lớn đến nghề nuôi cá lồng.

Theo thống kê, ở làng chài Trung Quan có khoảng 14 hộ đang đầu tư nuôi cá lồng. Tuy nhiên, quy mô nuôi trồng của bà con nhìn chung còn nhỏ lẻ; kỹ thuật chăm nuôi cũng chưa bài bản, chủ yếu là tự học nên chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh thủy sản…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tý, một ngư dân làng chài Trung Quan, các loại tôm, cá khai thác tự nhiên có giá bán cao hơn so với thủy sản nuôi lồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đánh bắt khó khăn nên người dân chuyển hướng mở rộng hoạt động nuôi trồng.

Mặc dù vậy, nguồn vốn đang là bài toán khó đối với các hộ dân. “Người dân muốn đầu tư nuôi cá lồng nhưng không có vốn. Đi vay thì gặp khó khăn bởi chúng tôi không có gì trong tay để thế chấp…” - ông Tý chia sẻ.

Một góc làng chài Trung Quan (huyện Gia Lâm).
Một góc làng chài Trung Quan (huyện Gia Lâm).

Giấc mơ an cư bao giờ thành sự thật?

Trưởng thôn Trung Quan 3 Trịnh Xuân Đường cho biết, làng chài Trung Quan trước đây có khoảng 100 hộ dân sinh sống trên các thuyền bè ven sông Hồng. Hơn 10 năm về trước, cả làng chài kéo dài mấy cây số, từ huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) cho đến địa phận tỉnh Hưng Yên. Trung Quan hiện cũng là làng chài lớn nhất còn xót lại giữa lòng Hà Nội.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế, nhiều hộ đã tích góp được tiền mua đất, dựng nhà trên bờ. Ông Nguyễn Văn Vụ là một trong những cư dân làng chài Trung Quan đầu tiên lên bờ vào năm 2008. Sau ông Vụ, hàng chục trường hợp khác cũng chắt bóp, dành dụm và đến nay đã được an cư.

Nhưng không phải gia đình nào cũng đủ nguồn lực để lên bờ an cư giống như hộ ông Vụ. Đến nay, làng chài Trung Quan vẫn còn gần 20 hộ dân đang phải sinh sống dưới thuyền bè. Cuộc sống lênh đênh sông nước thiếu thốn và bất tiện đủ bề. Nỗi lo từ con nước càng trở nên lớn hơn mỗi khi mùa mưa lũ đến.

“Cách đây 3 năm, bà con đã được kéo điện xuống thuyền bè để sử dụng. Tuy nhiên những điều kiện sống khác thì còn rất tạm bợ. Người dân phải mua nước đóng bình để ăn uống, trong khi tắm giặt thì vẫn phải sử dụng nước sông Hồng…” - ông Nguyễn Văn Hiền, một cư dân làng chài Trung Quan, bộc bạch.

Chủ tịch UBND xã Văn Đức Trần Xuân Điệu cho biết, người dân làng chài Trung Quan chủ yếu di cư từ nơi khác đến, sinh sống ven sông Hồng từ khoảng năm 1960. Những năm gần đây, chính quyền địa phương tiến hành rà soát, nhập hộ khẩu để tạo điều kiện cho các hộ được tiếp cận các cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Văn Đức, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã hiện vào khoảng 56 triệu đồng/năm. Ở làng chài Trung Quan, con số này có thấp hơn, nhưng nhìn chung cuộc sống của người dân vẫn được đảm bảo.

Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo xã Văn Đức, chúng tôi có đề cập đến câu chuyện an cư cho làng chài Vạn Vỹ ở xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) mà báo Kinh tế & Đô thị đã từng thông tin. Ông Điệu cho biết, đã nghiên cứu rất kỹ nội dung báo đăng để học tập cách thức triển khai của địa phương bạn. Chính quyền địa phương hiểu tâm tư, nguyện vọng của cư dân làng chài Trung Quan và đang nghiên cứu cách làm của chính quyền xã Trung Châu, từ đó từng bước cụ thể hoá mục tiêu an cư được cho các hộ dân còn lại của làng chài…” - ông Điệu nói. Đồng thời cũng nhấn mạnh đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, rất cần sự sẻ chia, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

 

Bố trí quỹ đất cho cư dân làng chài Vạn Vỹ có thu tiền sử dụng nhưng không qua đấu giá” là phương thức mà UBND xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) đã triển khai thực hiện cách đây hơn 5 năm để hỗ trợ an cư cho 32 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống dưới thuyền bè ven sông Hồng. Chính sách “có một không hai”, mang tính nhân văn sâu sắc, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ lớn của các tầng lớp Nhân dân, góp phần biến giấc mộng an cư của ngư dân làng chài Vạn Vỹ trở thành hiện thực.

 

 

Làng chài Trung Quan hiện chỉ còn một hộ cận nghèo. Những năm qua, các chế độ, chính sách hỗ trợ dành cho cư dân làng chài vẫn được chính quyền địa phương thực hiện công bằng như với những hộ dân đã định cư trên bờ…

Chủ tịch UBND xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) Trần Xuân Điệu