Tuy nhiên, sự phục hồi về kinh tế mặt khác cũng kéo theo mối lo về tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định tăng thuế tiêu dùng nhằm giảm nợ quốc gia. Dù đi kèm với đó là các chính sách kích thích nền kinh tế, tỷ lệ tăng lương duy trì ở mức thấp khiến thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động suy giảm.
Khoảng cách giàu nghèo nới rộng trong xã hội Nhật Bản khiến chính phủ nước này gặp thách thức đáng kể trong nỗ lực đối phó với tình trạng già hoá dân số. Lương thấp và gánh nặng tài chính khiến một bộ phận người Nhật không muốn kết hôn và sinh con, trong khi sự suy giảm dân số ở độ tuổi lao động ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, kéo theo đó là sức ép về phúc lợi xã hội như lương hưu và dịch vụ chăm sóc y tế.
Quy mô dân số Nhật Bản bắt đầu có xu hướng suy giảm kể từ năm 2008 và điều đáng lo ngại là tốc độ này đang tiếp tục gia tăng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng về dân cư, khi những đô thị lớn như Tokyo, Nagoya và Fukuoka buộc phải tăng cường thu hút thanh niên từ các vùng nông thôn để lấp chỗ trống về việc làm. Hậu quả để lại là các khu vực này mất đi nguồn lao động đóng thuế chủ yếu, trong khi vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động của các dịch vụ xã hội và y tế.
Tăng thu nhập thấp khiến nhiều người không được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế. Đà tăng trưởng về lâu dài do đó sẽ khó có thể được duy trì bền vững khi không có sự đóng góp về tiêu dùng của một bộ phận người dân. Về tổng thể, điều này sẽ còn tồi tệ hơn khi những người lao động không có đủ tài chính để lập gia đình, hay không thể trả thuế bởi thu nhập thấp. Nếu không được giải quyết triệt để, tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập có thể đẩy nền kinh tế Nhật Bản về thời kỳ trì trệ đã kéo dài trong hơn 1 thập kỷ.