Tờ RIA Novosti hôm 15/1 trích dẫn dữ liệu từ cơ quan thống kê Mỹ cho biết, Washington đã nhập khẩu uranium của Moscow trị giá hơn 1 tỷ USD từ tháng 1 - 11 năm 2023.
Tính riêng trong tháng 11, giá trị xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga sang Mỹ đã lên tới 96 triệu USD. Điều đó khiến quốc gia bị Washington trừng phạt trở thành nhà cung cấp uranium lớn nhất cho Mỹ lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023, khi tổng nguồn cung lên tới 177 triệu USD.
Các nhà cung cấp uranium lớn khác cho Mỹ trong tháng 11 bao gồm Anh và Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt khoảng 48,6 triệu USD và 44 triệu USD. Nguồn cung nguyên liệu hạt nhân từ Bỉ đạt tổng cộng 2,4 triệu USD trong cùng thời điểm, trong khi tổng lượng uranium nhập khẩu của Mỹ lên tới gần 191 triệu USD trong tháng 11.
Tuần trước, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, nhà chức trách đang mở rộng danh sách các nhà thầu, nhằm mục tiêu thiết lập nguồn cung cấp nhiên liệu uranium trong nước được làm giàu đến mức cao hơn và sử dụng cho thế hệ lò phản ứng tiếp theo. Kế hoạch này dự kiến sẽ giúp Mỹ tìm được nhà cung cấp nhiên liệu thay thế, hiện chỉ có ở cấp độ thương mại từ Nga.
Trước đó, ngày 11/12//2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về cấm nhập khẩu uranium của Nga như một phần của chiến dịch trừng phạt chống Moscow. Dự luật phải được Thượng viện thông qua và được tổng thống ký trước khi trở thành luật.
Theo dự luật, nhập khẩu uranium của Nga sang Mỹ theo quy định miễn trừ sẽ giảm dần từ mức 476,5 tấn trong năm 2024 xuống còn 459 tấn vào năm 2027.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, các nhà máy điện hạt nhân của nước này đã nhập khẩu khoảng 12% uranium từ Nga trong năm 2022, so với 27% từ Canada và 25% từ Kazakhstan. Khoảng 5% uranium được sử dụng ở Mỹ trong thời kỳ này có nguồn gốc trong nước.