Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt cóc trẻ em - hành vi không thể dung thứ

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em tại một số địa phương diễn ra hết sức táo tợn, liều lĩnh với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Với hành vi bắt cóc trẻ em, dù lý do gì cũng không thể dung thứ!

Rúng động các vụ bắt cóc trẻ con
Mới đây, thông tin lực lượng chức năng giải cứu thành công bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc khiến nhiều người vỡ òa; đồng thời yêu cầu xử lý thích đáng thủ phạm bắt cóc trẻ em.
Như báo Kinh tế & Đô thị thông tin, chiều 21/8, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1983, ở phường Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh) đưa con trai Nguyễn Cao Gia Bảo (SN 2018) ra công viên Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Ninh) chơi. Do sơ ý, anh Nguyễn Văn Hưng không thấy con đâu nên hô hoán mọi người hỗ trợ tìm kiếm, đồng thời thông báo lực lượng chức năng giúp đỡ.
Nhận tin báo, Công an TP Bắc Ninh huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ và sử dụng chó nghiệp vụ tới hiện trường phối hợp gia đình tổ chức tìm kiếm.
 Đối tượng Nguyễn Thị Thu tại cơ quan công an. Ảnh: Công Vượng
Đêm 22/8, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện, giải cứu thành công bé Gia Bảo tại xã Tân Long (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Đồng thời di lý đối tượng bắt cóc từ Tuyên Quang về Bắc Ninh. Danh tính đối tượng là Nguyễn Thị Thu (SN 1988, quê quán ở phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), làm công nhân và trọ tại phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh.
Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Thu khai nhận, năm 2011, đối tượng lấy chồng và có 1 người con, tuy nhiên, 2 vợ chồng ly thân. Năm 2017, Thu quen biết với Đặng Văn Bằng (SN 1987, ở xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) và đã tổ chức đám cưới với nhau. Sau khi phát hiện Thu đã có chồng, Bằng yêu cầu phải giải quyết ly hôn với chồng cũ, lúc này Thu đang mang thai khoảng 4 tháng. Sau đó, Thu chuyển về Cao Bằng sống.
Đầu năm 2019, Thu sinh con trai nhưng cháu bé ốm và tử vong, tuy nhiên, Thu không nói cho Bằng biết. Do muốn quay lại với Bằng, Thu đã bắt cóc cháu Gia Bảo để nhận làm con mình. Đối tượng khai mục đích bắt cóc cháu bé là vì tình cảm cá nhân nhưng không có bất cứ quan hệ nào với gia đình cháu.
Được biết, chị gái của Thu từng lĩnh án 15 năm tù về tội buôn bán trẻ em sang Trung Quốc. Hiện Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi tố đối tượng về tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại Hà Nội, một vụ bắt cóc từng gây rúng động, xôn xao dư luận cách đây nhiều năm. Ngày 1/11/2011, tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư xảy ra vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt trẻ em, nạn nhân là bé trai 3 ngày tuổi, con của chị Trần Thị Thơm (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Đối tượng bắt cóc bé trai sơ sinh là Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Bắc Giang), Lệ đã lên kế hoạch, lẻn vào bệnh viện, giả vờ làm nhân viên y tế đến bảo chị Thơm đưa con để bế đi xét nghiệm. Sau đó, Lệ rời khỏi bệnh viện và đưa cháu bé về nhà bố mẹ đẻ ở Bắc Giang. Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội đã xác định và bắt giữ đối tượng sau đó không lâu. Ngày 9/4/2012, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Lệ 4 năm tù về tội “Chiếm đoạt trẻ em”.
Cần thiết xử lý nghiêm
Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an đánh giá, tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em hết sức đa dạng; thủ đoạn gây án ngày càng táo tợn và liều lĩnh. Các đối tượng bắt cóc có thể phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn.
Đối tượng tìm cách tiếp cận, rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ đi theo chúng. Các đối tượng cũng có thể giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… để đưa đi. Thậm chí, đối tượng có thể đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh.
Có trường hợp chúng giả danh thân nhân sản phụ, ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi. Theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi trên đường, không đeo đai an toàn, đối tượng chủ động va quệt xe vào họ gây tai nạn. Trong lúc bà mẹ đang nằm ra đường, đồng bọn của chúng vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi. Ngoài ra, đối tượng có thể bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền người thân…
Hậu quả của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề, bởi vì chúng trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ em bị bắt cóc, chiếm đoạt. Đồng thời, gây hoang mang, sợ hãi, đau khổ cho gia đình nạn nhân, gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ. Những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em.
Cùng đó, các vụ việc bắt cóc, chiếm đoạt trẻ gây hoang mang dư luận xã hội. Tạo ra tâm lý bất an, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xâm hại phong tục tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của Nhà nước.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, để có căn cứ xử lý các đối tượng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích bắt cháu bé để xử lý tương ứng về hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật. Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự. Hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng không những đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng Nhân dân bởi vấn nạn bắt cóc trẻ em đã và đang diễn ra trong xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội.

"Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự" - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh - luật sư Nguyễn Anh Thơm