Bắt đầu cuộc ganh đua

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/2 vừa qua, tại bang Iowa ở nước Mỹ, Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ đều đã tiến hành cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên để lựa chọn ứng cử viên của từng đảng cho cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này vào đầu tháng 11 tới.

Từ năm 1972 đến nay, bang Iowa được lựa chọn là nơi khởi đầu cho cuộc ganh đua chính thức giữa các ứng cử viên Tổng thống của hai đảng này. Với số dân không đầy 3,1 triệu người và vì thế số lượng đại biểu cho đại hội đảng chỉ rất nhỏ, bang Iowa thật ra không đóng vai trò quyết định gì đối với việc hai đảng chính trị lớn nhất này ở nước Mỹ. Nhưng rồi theo thời gian từ thủa ấy đến nay đã hình thành một dạng lời nguyền từ Iowa khiến cho kết quả cuộc bầu cử sơ bộ ở đây có được ý nghĩa rất đặc biệt.
Các ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa.
Các ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa.
Ở phía Đảng Cộng hoà, chưa có ứng cử viên Tổng thống nào không thắng cử ở bang Iowa mà sau đó đắc cử Tổng thống Mỹ. Còn ở phía Đảng Dân chủ thì tuy không phải tất cả nhưng đa số ứng cử viên Tổng thống thắng cử ở bang Iowa về sau thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống. Đối với tất cả, Iowa vì vậy trở thành một trong những hàn thử biểu chính xác nhất về khả năng thắng cử sau này. Sự lựa chọn tình cờ năm 1972 về chọn bang Iowa làm nơi khởi đầu cho các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ dần dần tạo nên tác động định mệnh đối với tất cả các ứng cử viên.
Bầu cử Tổng thống ở Mỹ khác biệt cơ bản so với bầu cử Tổng thống ở các nước khác trên thế giới. Tổng thống Mỹ do các đại cử tri bầu ra. Số đại cử tri này do cử tri ở các bang bầu ra theo cơ cấu quy mô dân số của bang và có nguyên tắc là ứng cử viên Tổng thống của đảng nào thắng cử thì sẽ giành được tất cả số đại cử tri. Cách thức bầu cử sơ bộ trong hai đảng này cũng vậy và ứng cử viên Tổng thống rồi đây được đảng phái chính trị của họ đề cử tại đại hội của đảng này phải giành được số lượng nhất định đại biểu tham dự đại hội đảng thông qua thắng cử ở các cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang.
Bà Hillary Clinton được kỳ vọng sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Bà Hillary Clinton được kỳ vọng sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Sự khởi đầu cuộc ganh đua ở bang Iowa có ý nghĩa tâm lý và truyền thông rất quan trọng. Tại đó lần đầu tiên cho thấy liệu kết quả thăm dò dư luận có tương đồng với sự hậu thuẫn của đảng viên và người ủng hộ dành cho ứng cử viên hay không. Nó giống như lần sắp xếp trật tự và lập bảng thứ hạng đầu tiên về khả năng thắng cử của các ứng cử viên. Nó có tác dụng định hướng dư luận ở Mỹ và tác động rất mạnh mẽ vào quyết định tiếp theo của những thế lực chính trị và tài chính đứng phía sau các ứng cử viên. Nó còn giúp các ứng cử viên rút ra những bài học cần thiết cho mình về nội dung cương lĩnh tranh cử và cách thức tiến hành tranh cử.
Cuộc bầu cử sơ bộ năm nay ở bang Iowa đưa lại kết quả khá bất ngờ. Cho tới trước đó, tỷ phú Donald Trump ở phía Đảng Cộng hoà và bà Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân, nguyên thượng nghị sỹ và nguyên bộ trưởng ngoại giao, ở phe Đảng Dân chủ đều dẫn đầu trong kết quả các cuộc trưng cầu dân ý, bỏ xa các đối thủ chính trị của mình. Nhưng kết quả ở Iowa năm nay lại cho thấy ông Trump bị thượng nghị sỹ Ted Cruz đánh bại và ứng cử viên thứ 3 của Đảng Cộng hoà là thượng nghị sỹ Marco Rubio giành được tỷ lệ phiếu bầu rất cao, trong khi đó bà Clinton lại chỉ thắng được với mức độ chênh lệch rất nhỏ trước thượng nghị sỹ Bernie Sanders. Ở Mỹ gần như không có ai ngờ được rằng ông Trump bị thua và ông Sanders đuổi sát bà Clinton đến thế.

Từ sau Iowa, cả ông Trump lẫn bà Clinton đều không còn có thể giữ lại được nữa sự công nhận từ trước tới nay coi họ là ứng cử viên Tổng thống sáng giá nhất của hai đảng. Tỷ lệ phiếu bầu mà cả ông Cruz lẫn ông Trump giành được ở bang Iowa lại không đầy 50%. Qua đó có thể thấy tâm lý của cử tri ngán ngẩm giới chính trị gia chuyên nghiệp có tiếng là dày dạn chính trường và đồng thời khó xử vì chưa hẳn thật sự tin tưởng vào những ứng cử viên khác biệt cơ bản so với những ứng cử viên là chính trị gia chuyên nghiệp và từng trải chính trường. Khía cạnh văn hoá xã hội dường như có tác động không kém gì tác động văn hoá chính trị trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này ở nước Mỹ.