Đà Nẵng, Nha Trang sẽ khôi phục rất nhanh
Chia sẻ tại Diễn đàn “BĐS Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” chiều 12/1, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết: Các nhà đầu tư “đại bàng” đã đến rất sớm và thành công tại vùng đất này. Họ dẫn dắt thị trường BĐS miền Trung bùng nổ. Đơn cử, Đà Nẵng và Nha Trang phát triển nhờ tận dụng các lợi thế của mình đó là kinh tế biển, du lịch.
Năm 2021, thị trường miền Trung với 14 tỉnh, thành có trên 50% lượng cung BĐS của toàn quốc và tỷ lệ hấp thụ cũng chiếm trên 50%. Theo ông Nguyễn Văn Đính, xu hướng gần đây, miền Trung bắt đầu xuất hiện rất nhiều tổ hợp du lịch lớn, có quy mô, chức năng tiện ích thay thế cho các dự án nhỏ lẻ.
Trong năm 2022, cùng với đầu tư công, các “đại bàng” sẽ tăng tốc để tạo ra hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ cho ngành kinh tế du lịch ở khu vực miền Trung. Nhờ vậy, thị trường BĐS miền Trung sẽ có sự tăng tốc, trong đó BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ là chủ đạo, nhất là những vùng có quy hoạch chiến lược, chất lượng. Những thị trường trầm lắng suốt hai năm qua như Đà Nẵng, Nha Trang sẽ khôi phục rất nhanh”.
Về góc độ nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT AVland Group Giáp Văn Kiểm đánh giá, BĐS miền Trung như "nàng tiên" bắt đầu được đánh thức. Đặc biệt, thị trường này có nhiều thuận lợi để đầu tư như: Chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ của Chính phủ đã được thông qua; gói kích thích kinh tế của Chính phủ đã được thông qua…
“Giá BĐS miền Trung đang rất thấp, từ phân khúc nghỉ dưỡng đến nhà ở so với các miền Bắc và miền Nam. Các nhà đầu tư luôn tìm đến khu vực có giá thấp để đón đầu xu hướng đầu tư. Bởi, giá thấp thì tiềm năng tăng trưởng cao” - ông Giáp Văn Kiểm nhận định.
Khi điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ
Theo bà Hoàng Thu Hằng - Phó trưởng Phòng Quản lý thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, trong hai năm 2020 và 2021, các địa phương báo cáo có khoảng 972 dự án được cấp phép, 422 dự án được hoàn thành. Tính riêng năm 2021, dự án được cấp phép chỉ đạt 31% so với năm 2019. So với năm 2020, dự án hoàn thành của năm 2021 chỉ đạt được 46,5%, tức là nguồn cung bị giảm sút tương đối nhiều, hơn 70%. Một trong những lý do ảnh hưởng đến nguồn cung BĐS là điểm nghẽn pháp lý.
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, Bộ Xây dựng đã phối với một số bộ, ngành liên quan như Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT nghiên cứu, sửa đổi một số quy định nhằm tháo gỡ thủ tục pháp lý cho thị trường. Điển hình, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 30 vào ngày 26//3/2021 để sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 99 nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc chấp thuận chủ trương dự án nhà ở; điều chỉnh chương trình phát triển nhà, lựa chọn nhà đầu tư.
Hay như 69/2021/NĐ-CP được ban hành quy định về cải tạo và xây dựng lại nhà ở chung cư cũ. Liên quan đến pháp luật đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 nhằm tháo gỡ các vấn đề liên quan thủ tục pháp lý. Mới đây, ngày 6/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02 sửa đổi bổ sung Nghị định số 76, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh BĐS.
“Vừa qua, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở, hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật. Trong dự thảo này, Bộ Xây dựng đề xuất 4 nhóm chính sách lớn gồm: Chính sách liên quan kinh doanh BĐS; chính sách kinh doanh dịch vụ BĐS; điều tiết thị trường BĐS; quản lý Nhà nước đối với thị trường BĐS”- bà Hằng cho hay.