Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất đồng về nới lỏng chính sách tiền tệ

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, 2 trong số các định chế tài chính có ảnh hưởng nhất trên thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng TW châu Âu (ECB) đã đồng thời đưa ra khuyến cáo đối với Chính phủ Mỹ trước ý định loại bỏ những quy chế giám sát tài chính được áp dụng suốt gần 1 thập kỷ qua, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát.

Chủ tịch FED bà Janet Yellen và Chủ tịch ECB Mario Draghi. Ảnh: Bloomberg.
Phát biểu tại Hội nghị Ngân hàng T.Ư thường niên của Fed diễn ra tại Jackson Hole, tiểu bang Wyoming, Mỹ vào thứ sáu tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định, hiện không phải là thời điểm phù hợp để sửa đổi các quy định, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng T.Ư toàn cầu đang áp dụng việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ như một biện pháp để kích cầu nền kinh tế.
Với mục tiêu nhằm bảo vệ những lợi ích của toàn cầu hoá, ông Draghi nhấn mạnh bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009: “Chúng ta đã thấy rõ sự nguy hiểm của việc áp dụng những chính sách tài chính mở trong khi còn thiếu các quy chế giám sát phù hợp. Hiện nay, khi các nước trên thế giới đang có xu hướng áp dụng biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng tránh để những yếu tố bất ổn từng dẫn đến cuộc khủng hoảng nhen nhóm trở lại”. 
Tuyên bố này của ông Draghi cũng nhất quán với quan điểm của nữ Chủ tịch Fed, khi bà Janet Yellen cho rằng, việc duy trì những quy chế giám sát tài chính chặt chẽ hậu khủng hoảng là cần thiết để giữ an toàn và tạo đà phục hồi cho hệ thống ngân hàng. Bà Janet Yellen đồng thời khuyến nghị, bất cứ sự thay đổi nào nếu có, chỉ nên được thực hiện ở mức vừa phải. Quan điểm này hoàn toàn đối lập với những tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump, khi ông chỉ trích những quy chế này gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế Mỹ khi hạn chế các ngân hàng thương mại cấp vốn tín dụng, ảnh hưởng bất lợi tới tính thanh khoản trên thị trường tài chính. 
Ông Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Barclays Capitalnhận định, những thông điệp từ bà Yellen và ông Draghi sẽ khó có thể thay đổi quan điểm của chính quyền Washington. Chính sự khác biệt này sẽ khiến khả năng bà Yellen được tái bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Fed là gần như không còn, sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018. Những bước đi gần đây của Tổng thống Donald Trump cho thấy, ông muốn rũ bỏ những ảnh hưởng từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Và những bất đồng với bà Yellen, một thành viên của Đảng Dân chủ, sẽ là lý do phù hợp cho người đứng đầu Nhà trắng chọn nhân sự thay thế phù hợp hơn với đường lối lãnh đạo hiện tại.