Kể từ năm 2019 đến nay, đây là lần Hà Nội có số trường phải tuyển bổ sung nhiều nhất. Điều này là bất thường hay bình thường và đâu là nguyên nhân?
Khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố thông tin tuyển bổ sung lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025, dư luận ngạc nhiên bởi số trường hạ điểm chuẩn, tuyển bổ sung năm nay tăng kỷ lục so với 5 năm trở lại đây. Có tất cả 63 trường tuyển bổ sung; trong đó 61 trường hạ điểm chuẩn và 2 trường tuyển tràn tuyến.
Trong danh sách trường hạ điểm chuẩn có gần 1/3 trường thuộc khu vực nội thành với 2 trường tốp đầu là THPT Chu Văn An và THPT Yên Hòa. Đáng chú ý, có đến 10/11 trường thuộc khu vực tuyển sinh số 3 (Đống Đa - Thanh Xuân - Cầu Giấy) hạ điểm chuẩn. Số trường tuyển bổ sung còn lại đa số thuộc các huyện ngoại thành như Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai….
Để tạo thuận lợi, công bằng, minh bạch trong tuyển sinh tràn tuyến, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến và trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy trình các bước đăng ký cùng số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ phụ huynh.
Lý giải về việc nhiều trường công lập phải tuyển bổ sung, cán bộ quản lý nhiều trường công lập cùng quan điểm cho rằng, có 3 nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, do các trường THPT chuyên trực thuộc đại học (THPT chuyên Khoa học tự nhiên, THPT chuyên Khoa học xã hội & nhân văn, THPT chuyên Ngoại ngữ, THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) năm nay không tuyển hệ cận chuyên nhưng tăng tổng số 309 chỉ tiêu khối chuyên. Những học sinh giỏi đỗ chuyên cũng thường đỗ các trường THPT công lập top đầu và sẽ lựa chọn trường chuyên để nhập học; điều này kéo theo loạt trường công thiếu chỉ tiêu.
Thứ hai, Hà Nội có hơn 100 trường THPT tư thục, công lập tự chủ tài chính. Nhiều trường trong số đó có chất lượng giáo dục tốt, cơ sở vật chất hiện đại nên tăng sức cạnh tranh với nhóm trường công lập. Mặt khác, các trường tư được tự chủ cơ chế, có nhiều hình thức thu hút học sinh giỏi thông qua miễn học phí, trao học bổng hoặc giảm các loại chi phí, dịch vụ; môi trường giáo dục cởi mở, hiện đại của trường tư cũng là điểm cộng thu hút phụ huynh, học sinh.
Một lý do khác được kể đến, đó là sự thay đổi đáng kể trong tư duy của phụ huynh. Thực tế, không ít học sinh đỗ nguyện vọng 3 vào các trường công lập có điểm đầu vào thấp, xa nhà, đi lại không thuận lợi nên phụ huynh quyết định cho con học loại hình trường nghề để rút ngắn thời gian thực học và ra trường có thể đi làm ngay. Điều này thể hiện ở việc số trường top cuối tuyển bổ sung khá nhiều.
Các cán bộ quản lý cũng cho rằng, 60 trường tuyển bổ sung không có gì bất thường. Với đa dạng loại hình trường học (công lập, chuyên, công lập tự chủ, tư thục, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường nghề), phụ huynh và học sinh có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với mục tiêu đề ra.
Nhiều gia đình đề cao mục tiêu học thuật, chất lượng nhưng có gia đình lại đặt cao mục tiêu thuận lợi, gần nhà hoặc tối ưu chi phí… Mỗi học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng trường công lập theo khu vực, được đổi khu vực tuyển sinh…; điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác xét duyệt điểm chuẩn của các trường.
Hà Nội là đô thị có tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TP bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh sau tốt nghiệp THCS nếu có nguyện vọng học tiếp. Do đó, vấn đề quan trọng nhất ở đây là quyền lợi của học sinh được bảo đảm tối đa.
Tuy vậy, ở góc nhìn khác có thể thấy cần làm tốt hơn ở công tác tư vấn trường lớp và dự báo số lượng học sinh hàng năm để phụ huynh và học sinh yên tâm hơn, giảm tình trạng lo lắng, chờ đợi hạ điểm chuẩn vào mỗi mùa tuyển sinh lớp 10.