Bầu cử Pháp và nỗi lo châu Âu rạn nứt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả bầu cử địa phương vòng đầu tiên tại Pháp đã ghi nhận bước tiến đáng kể cho Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu (FN) khi giành chiến thắng tuyệt đối ở vòng đầu tiên.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra không lâu sau vụ tấn công thảm sát tại Paris, thể hiện nỗi lo sợ và mất lòng tin vào khả năng bảo đảm an ninh quốc gia của chính quyền đương nhiệm.
Bà Marine Le Pen - lãnh đạo của Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu.
Bà Marine Le Pen - lãnh đạo của Đảng Mặt trận quốc gia cực hữu.
Chiến thắng của Đảng FN đã được dự đoán trước khi cuộc khảo sát được tiến hành ngay trước bầu cử cho thấy, Đảng FN có thể giành được 30% số phiếu, tiếp theo là Đảng Cộng hòa của ông Sarkozy với 27,2%; Đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande xếp sau với 22,7%. Vòng bầu cử đầu tiên diễn ra ngay sau vụ thảm sát tại Paris khiến 130 người thiệt mạng hơn 3 tuần đã tác động lớn đến lá phiếu của cử tri. Rõ ràng, chủ nghĩa khủng bố đã giáng một đòn mạnh vào nước Pháp, không chỉ ám ảnh cuộc sống thường ngày của người dân Pháp mà còn tác động đến cả cục diện của chính trường Pháp cũng như châu Âu.

Đảng FN cực hữu được biết đến với các chính sách bài ngoại cứng rắn về các vấn đề di cư và hồi giáo. Vì vậy, thắng lợi của đảng này phần nào phản ánh sự bế tắc và mất lòng tin của người dân vào các chính sách điều hành của chính quyền đương nhiệm trước nỗi lo an ninh sau “cú ngã” trước chủ nghĩa khủng bố.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử cấp vùng diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đối phó với khủng hoảng nhập cư từ vùng Trung Đông, đặc biệt là hàng trăm ngàn người di cư từ Syria đang tìm đường sang châu Âu lánh nạn. Sau vụ tấn công tại Paris, người dân lại càng có cơ sở e ngại trước làn sóng di cư đang ồ ạt tiến vào nước này, nhất là khi Tổng thống Pháp Hollande đã từng tuyên bố, sẽ tiếp tục tiếp nhận người di cư. Đảng cực hữu, vốn chủ trương hạn chế số người nhập cư đã biết khai thác mối lo ngại của cử tri trước cuộc khủng hoảng đó.

Trong tình cảnh bế tắc, Đảng FN cùng các tuyên bố sẽ đấu tranh không khoan nhượng với người hồi giáo nhập cư và hứa hẹn đóng cửa biên giới, và đây cũng là sự lựa chọn hàng đầu của người dân Pháp.

Không chỉ cam kết bảo vệ nước Pháp khỏi cuộc khủng khoảng di cư, một trong những nguyên nhân mà đảng này cho là gốc rễ của nạn khủng bố, người đại diện Đảng FN cũng tuyên bố thi hành một chính sách độc lập, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU).

Ngay lập tức, các quốc gia trong liên minh đã lên tiếng cảnh báo về tương lai của một châu Âu rạn nứt. Bộ trưởng Ngoại giao CH Czech Lubomír Zaorálek nhấn mạnh, thắng lợi của Đảng cực hữu tại Pháp là sự cảnh báo đối với toàn bộ châu Âu.

Nếu đảng cực hữu Pháp tiếp tục thắng thế trong các vòng tiếp theo, khả năng EU không còn giữ được tính thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng sẽ trở thành hiện thực. Có thể thấy rõ nhất là kế hoạch phân bổ người tị nạn của châu Âu sẽ gặp nhiều thách thức. Và xa hơn nữa là Hiệp ước tự do đi lại giữa các quốc gia trong liên minh Schengen có khả năng sẽ bị xóa sổ. Tại thời điểm hiện tại, một số quốc gia như Thụy Điển, Đức và Slovenia đã tạm thời đình chỉ Hiệp ước này vì các mối lo an ninh.