Hai ứng cử viên của đảng NLD là ông U Htin Kyaw từ Hạ viện và ông Henry Van Thio từ Thượng viện. Giới quân sự chiếm 25% số ghế ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện sẽ đề cử môt người nữa. Vì đảng NLD chiếm đa số tuyệt đối trong lưỡng viện lập pháp nên ứng cử viên của đảng này chắc chắn sẽ thắng cử. Tổng thống mới của Myanmar sẽ là ông U Htin Kyaw và phó tổng thống sẽ là ông Henry Van Thio hoặc ứng cử viên của giới quân sự.
Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi
|
Với việc bầu tổng thống, chính quyền dân sự dân cử ở nước này chính thức nhậm chức từ ngày 1.4 tới và từ đó mới thực sự là thời kỳ của bà Aung San Suu Kyi. Bây giờ, người phụ nữ 70 tuổi này có thể làm những gì đã dự định nhưng bị giới quân sự ngăn cản cách đây 26 năm. Hiến pháp hiện hành không cho phép bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống Myanmar - vì chồng và hai con của bà Aung San Suu Kyi mang quốc tịch Anh - nhưng vô hình chung lại tạo cơ hội để nước này có được một cuộc thí nghiệm quyền lực chính trị xưa nay chưa từng thấy là bà Aung San Suu Kyi tuy không là tổng thống nhưng nắm thực quyền, vô danh mà hữu quyền. Bà Aung San Suu Kyi không hề dấu dếm chủ ý buông màn nhiếp chính, đứng trên tổng thống và trị vì xứ này thông qua những cộng sự của mình ở những cương vị quyền lực trong hệ thống chính trị. Tất cả những việc này lại còn công khai chứ không hề bí mật, được tuyên cáo từ trước chứ không phải về sau mới có.
Chủ ý của bà Aung San Suu Kyi là tạo sự đã rồi và để giới quân sự không có cớ để can thiệp. Giới quân sự nước này không thể không coi cách thức cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi là thách thức và khiêu khích, nhưng rõ ràng cũng đã ý thức được về sự thay đổi của thời thế, ở cả bên trong lẫn bên ngoài Myanmar nên im lặng như thể đã tạm thời chấp nhận. Quá trình dân chủ hoá ở nước này diễn biến cho tới nay suôn xẻ, nhưng ở phía sau vẻ bề ngoài hài hoà ấy vẫn còn sóng ngầm dữ dội.