Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc chạy đua khó đoán

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc tranh cử Tổng thống Pháp đang đến hồi “gay cấn”, với sự chạy đua “sát nút” và “khó đoán” của 3 ứng cử viên Francois Fillon, bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron.

Có thể nói, chưa bao giờ chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp lại xuất hiện nhiều bất ngờ và khó dự đoán như lần này với những diễn biến dồn dập đến chóng mặt. Trong khi ứng viên cánh hữu Francois Fillon của đảng Cộng hòa “tụt hạng” vì vướng phải vụ bê bối “trả lương khống” cho vợ và con, ứng viên Marine Le Pen lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) lại tỏa sáng, với những tuyên ngôn “gây sốc”. Điển hình như việc bà Le Pen tuyên bố sẽ đánh mạnh vào “tình trạng nhập cư tràn lan”, toàn cầu hóa và “chủ nghĩa cơ yếu Hồi giáo”. Le Pen nói rằng, bà muốn tạo ra một quốc gia “không nợ nần ai điều gì”.
 Ứng viên Marine Le Pen lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) tại buổi khởi động tranh cử Tổng thống Pháp ở Lyon hôm 5/2.
Tuy nhiên, việc khiến cái tên Le Pen trở thành đề tài nóng của giới truyền thông những ngày vừa qua, là khi chính trị gia 48 tuổi đề xuất nước Pháp rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm tuổi nghỉ hưu và tăng một số phúc lợi trong khi giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và thuế thu nhập. Bên cạnh đó là việc giới hạn một số quyền lợi, như quyền hưởng giáo dục miễn phí cho công dân Pháp; thuê 15.000 cảnh sát, xây thêm nhà tù, hạn chế người nhập cư... Trước đó, bà Marine Le Pen đã nhiều lần tuyên bố Pháp nên rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2016, chủ nghĩa dân túy đã lên ngôi ở Mỹ và trên khắp các nước khu vực châu Âu. Tất cả đều có quan điểm cho rằng, sự toàn cầu hóa thế giới là mối nguy hại, không phải là một sự kiện vui vẻ và đáng mong đợi như phe cánh tả vẫn tuyên truyền. Vì thế, họ cho rằng, sự quay trở lại của chủ nghĩa dân tộc, với những quan điểm dân túy quốc gia, bảo hộ mậu dịch, bài nhập cư….là cần thiết. Giới chuyên gia nhận định, bà Marine Le Pen được xem là đại diện cho phong trào dân túy đang trỗi dậy ở khắp châu Âu. Bởi, việc lãnh đạo FN ca ngợi quyết định của người Anh về việc rời EU và kêu gọi người Pháp hãy học tập những người Mỹ đã bầu cho tân Tổng thống Donald Trump, gọi đó là những người “đặt lợi ích dân tộc lên trên hết”. Đồng thời, tuyên bố sẽ đặt “nước Pháp lên hết”, học theo khẩu hiệu đã đưa vị tỷ phú New York trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Song dù đã vượt qua ứng cử viên Francois Fillon của phe cánh hữu, bà Le Pen cũng khó lòng dành chiến thắng trước ứng viên tự do Emmanuel Macron. Trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, bà Le Pen sẽ vượt qua vòng đầu của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày 23/4, nhưng sẽ thất bại ở vòng 2 ngày 7/5. Bởi, theo giới truyền thông, hội trường nơi diễn ra buổi vận động tranh cử của Le Pen vẫn còn ghế trống, trái với khán phòng 8.000 chỗ chật kín trong sự kiện của đối thủ Emmanuel Macron tại cùng TP. Vào thời điểm ứng viên Fillon gặp rắc rối với pháp luật, cơ may của ông Macron càng gia tăng, thậm chí có khả năng qua mặt ông Fillon để lọt vào vòng hai bầu cử Tổng thống cùng với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.
Ông Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp, hiện là ứng viên nặng ký cho vị trí Tổng thống. Hầu như vô danh trong mắt công chúng cách đây 2 năm, song ứng viên (39 tuổi) này được xem là “ngôi sao” đang lên trong kỳ bầu cử năm nay. Theo đó, ông Macron được miêu tả như một người “không tả, không hữu”. Bởi, trái với Le Pen, Macro ủng hộ tự do kinh tế, ủng hộ tự do kinh tế nhưng cũng hứa sẽ đảm bảo các chính sách xã hội.