Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bầu cử Tổng thống Singapore: Hơn 50% cử tri đã hoàn thành bỏ phiếu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan Bầu cử Singapore cho biết, tính đến trưa ngày 1/9, đã có hơn 1,4 triệu người đến bỏ phiếu tại 1.264 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, chiếm khoảng 52% tổng số cử tri đủ điều kiện.

Ngày 1/9, trên 2,7 triệu cử tri Singapore bắt đầu đi bỏ phiếu để lựa chọn ra vị Tổng thống thứ 9 của đảo quốc sư tử.

Cử tri Singapore xếp hàng chờ bỏ phiếu bầu Tổng thống từ lúc 7 giờ 55 phút ngày 1-9. Ảnh: Straits Times
Cử tri Singapore xếp hàng chờ bỏ phiếu bầu Tổng thống từ lúc 7 giờ 55 phút ngày 1-9. Ảnh: Straits Times

Người dân Singapore đi bỏ phiếu từ 8h sáng đến 20h tối (giờ địa phương) tại 1.264 điểm bỏ phiếu trên cả nước dưới sự giám sát của khoảng 36.000 nhân viên bầu cử.

Theo Straits Times, Cơ quan Bầu cử Singapore cho biết, tính đến trưa ngày 1/9, đã có hơn 1,4 triệu người đến bỏ phiếu tại 1.264 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, chiếm khoảng 52% tổng số cử tri đủ điều kiện.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, ba ứng cử viên chính thức tham gia tranh cử gồm: cựu Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam;  cựu Giám đốc Quỹ đầu tư GIC Ng Kok Song; và cựu Giám đốc điều hành Công ty bảo hiểm NTUC Income - ông Tan Kin Lian.

Trong cuộc bầu cử này, Ủy ban bầu cử Singapore đã triển khai thêm một số biện pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân như lập thêm nhiều điểm bỏ phiếu, phát hành một loại dấu mới, in mã QR trên thẻ bầu cử… để rút ngắn thời gian xếp hàng của cử tri, giúp họ dễ dàng đánh dấu lựa chọn của mình trên các lá phiếu và kiểm tra tình trạng xếp hàng tại các điểm bỏ phiếu.

Ngoài ra, công tác an ninh cũng được tăng cường trong ngày bầu cử. Các phương tiện sẽ không được phép đỗ trong khuôn viên của các điểm bỏ phiếu cũng như dọc các con đường gần các điểm bỏ phiếu. Cử tri được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi bộ đến điểm bỏ phiếu nếu có thể và rời khỏi điểm bỏ phiếu ngay sau khi bỏ phiếu xong.

Ủy ban bầu cử Singapore cho biết trong một tuyên bố vào sáng 1/9: “Vì cuộc bỏ phiếu sẽ kéo dài đến 8h tối, chúng tôi khuyên cử tri nên đến điểm bỏ phiếu muộn hơn trong ngày, đặc biệt là vào buổi chiều khi hàng đợi thường ngắn hơn. Chúng tôi mong đợi sự kiên nhẫn và thông cảm của cử tri khi xếp hàng bỏ phiếu vào buổi sáng”.

Tổng thống Singapore có nhiệm kỳ 6 năm và được bầu trực tiếp thông qua bỏ phiếu bởi các công dân từ 21 tuổi trở lên.

Kết quả cuối cùng có thể được công bố vào tối nay (1/9) hoặc sáng sớm ngày mai (2/9). Nếu cuộc bỏ phiếu cho kết quả sít sao, với chênh lệch số phiếu bầu giữa các ứng cử viên từ 2% trở xuống, Ủy ban bầu cử Singapore sẽ tiến hành kiểm phiếu lại.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 1/9 sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 6 năm sau khi Tổng thống Singapore đương nhiệm Halimah Jacob rời nhiệm sở vào giữa tháng 9.

Đây là cuộc bầu cử Tổng thống có cạnh tranh đầu tiên của Singapore trong 12 năm qua. Những vấn đề nổi bật chi phối tâm lý của các cử tri năm nay là chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, vấn đề nhà ở và việc làm.

Trong nhiệm kỳ 6 năm, Tổng thống Singapore tham gia các hoạt động chính thức, giám sát dự trữ tài chính của Singapore và có thể phủ quyết các cuộc bổ nhiệm quan trọng vào các cơ quan công quyền.

Theo CNBC, một trong những vai trò quan trọng của cương vị Tổng thống Singapore là bảo vệ nguồn dự trữ của Nhà nước giàu có ở Đông Nam Á, vốn vẫn là bí mật quốc gia.

Các nhà quan sát cho biết, nhiều người Singapore dường như tin rằng, quyền giám sát với các khoản dự trữ cho phép Tổng thống cân nhắc mạnh mẽ hơn về các quyết định chính sách tài chính và tiền tệ.

Những vấn đề khác được nhấn mạnh trong chiến dịch bầu cử ở Singapore lần này gồm chi phí sinh hoạt cao, giá nhà ở công cộng quá cao và tranh luận về cạnh tranh việc làm với người nước ngoài ngày càng tăng.

Phần lớn cuộc thảo luận về chiến dịch tranh cử bắt đầu từ ngày 22/8 tập trung vào năng lực thực sự của các ứng cử viên trong việc ra quyết định độc lập và phi đảng phái.

Trong đó, ứng viên Ng Kok Song và Tharman Shanmugaratnam đã giới thiệu kinh nghiệm và chuyên môn của họ đáp ứng đủ tiêu chuẩn để bảo vệ nguồn dự trữ của đất nước.