Trước đó, 23 giờ 15 phút đêm 13/8, khoa Cấp cứu chống độc của BV tiếp nhận bé trai 3,5 tuổi, được chuyển từ BV Sản Nhi tỉnh Hà Nam lên cấp cứu với chẩn đoán: Suy hô hấp, hạ thân nhiệt, chấn thương vùng đầu mặt cổ. Bệnh nhi được chuyển lên có Công an đi cùng, nghi bị bạo hành.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử lý cấp cứu, tiến hành làm thêm các xét nghiệm để xác định tổn thương về sọ não, cột sống cổ... đồng thời hội chẩn các chuyên khoa chấn thương, ngoại thần kinh.
Đến thời điểm trưa 14/8, rất may các tổn thương thực thể hiện tại của cháu bé không nặng nề, sức khỏe cháu hiện tại toàn trạng ổn định. Tuy nhiên, trên cơ thể cháu vẫn còn sưng nề vùng đầu, xuất huyết và có xây xước vùng đầu mặt cổ. Ngoài ra, lưỡi bệnh nhi cũng bị sưng nề, ăn uống khó.
Theo thông tin ban đầu, trẻ bị cho vào thùng giấy rồi nhốt trong tủ cấp đông. Hiện cơ quan công an đang điều tra làm rõ.
Trước đó, ngày 26/7, BV Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận bệnh nhi Q.T. (18 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu mất nước, suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, Sp02 84%, có nhiều vết lằn, vết bầm tím tụ máu trên cơ thể. Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và nghi ngờ bị bạo hành.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương cho biết, qua khai thác thông tin từ người phụ nữ đưa trẻ đến viện, cách vào viện 7 ngày, trẻ xuất hiện sốt 38,5 – 39 độ, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, kèm theo ho. Trẻ sốt liên tục 5 ngày (người nuôi dưỡng không theo dõi nhiệt độ thường xuyên), sau đó cắt sốt 2 ngày, trẻ ăn được, chơi ngoan. Ngày 26/7, trẻ sốt lại 39 độ, ho, ăn uống được, đi ngoài phân lỏng, xuất hiện khò khè, thở nhanh nên được đưa đến BV Nhi Trung ương để thăm khám.
Sau 6 ngày được điều trị hồi sức tích cực, tình trạng nhiễm khuẩn huyết biến chứng suy đa cơ quan của bệnh nhi Q.T. (18 tháng tuổi, ở Hà Nội) nghi ngờ bị bạo hành đã có dấu hiệu chuyển biến khá hơn.
Qua sự việc việc này cho thấy, mặc dù việc bạo hành trẻ trong thời gian gần đây đã được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm và báo chí phản ảnh trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên vẫn cần có sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, trong quá trình khám chữa bệnh, nhân viên y tế bên cạnh khám cấp cứu cần lưu ý đến các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ trẻ bị bạo hành, để kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ và ngăn chặn tình trạng này.