Ông Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh, nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhiễm sán lợn có thể từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh nguy hiểm, không cần cách ly. Trong vụ việc hàng loạt học sinh bị nhiễm sán ở Bắc Ninh, phụ huynh cần bình tĩnh và nên cho con em đi học bình thường. Danh sách các bệnh nhi nhiễm sán lợn mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã xét nghiệm, BV đã nắm được và sẽ tư vấn cụ thể cho gia đình để điều trị cho các cháu.
“Bệnh nhi nhiễm sán dây lợn có thể điều trị ngoại trú. Với phác đồ điều trị hiện nay, việc diệt sán trưởng thành chỉ một ngày nhưng để tiêu diệt toàn bộ trứng thì phải mất 2 tuần. Bệnh nhân sẽ chỉ cần uống đủ thuốc trong vòng 15 ngày có thể tiêu diệt hết. Nếu nghi ngờ con em mình có thể bị mắc sán lợn, phụ huynh có thể đưa ngay các cháu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư để được tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết. Mọi thắc mắc có thể gọi về tổng đài 19003228 của bệnh viện để được giải đáp.” – PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với bệnh ấu trùng sán lợn, nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán dây lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải được thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: - Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). - Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông. - Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. - Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn. |