Bệnh gout không chỉ có ở người giàu

PGS.TS. BS Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh gout (thống phong) đã được biết đến từ thời Hippocrates, tức là từ thế kỷ thứ V trước công nguyên. Qua cả nghìn năm, bệnh này vẫn được coi như là bệnh của giới thượng lưu, giới nhà giàu… Có thật vậy không?

Một ca bệnh đáng nhớ

Một lần, chúng tôi được mời đến khám bệnh cho một người đàn ông mắc bệnh tiểu đường không đi lại được ở tận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Căn nhà trống tuềnh toàng, một người đàn ông trên 50 tuổi người to béo nằm trên chiếc chõng tre, bàn chân sưng phù và có các cục u rất lớn ở khớp gối và ngón chân làm biến dạng cả bàn chân khiến bệnh nhân không thể đi lại được.

Ông mắc bệnh tiểu đường đã hơn 20 năm nay, ăn uống vô điều độ, do chán đời nên uống rượu nhiều để quên đi những nỗi sầu do thất bại trong công việc…

Điều này làm ông mắc một lúc hai thứ bệnh nan y. Đau đớn đến cùng cực, ông lại dùng rượu quên đi và để ngủ được, bệnh lại càng nặng thêm tạo thành một vòng luẩn quẩn khó có thể tháo gỡ được.

Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Công Hùng
Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Công Hùng

Trong khoảng 20 năm gần đây, bệnh gout đang có xu hướng đảo ngược, nhất là ở các nước phát triển. Ở những nước này, giới giàu có và giai cấp thượng lưu không còn ăn uống vô điều độ như trước. Họ rất kỹ lưỡng trong nghệ thuật ẩm thực, từ chọn lựa loại thực phẩm, các loại thức uống và cả cách ăn uống nữa, nên tỷ lệ mắc bệnh gout trong họ đã giảm đi rất nhiều.

Rất nhiều người trong họ do đã ý thức được vai trò rất quan trọng của thể dục thể thao nên rất chăm lo rèn luyện sức khỏe nhằm giữ cho mình một thân thể khỏe mạnh và không bị bệnh.

Ngược lại, sự gia tăng các loại thức ăn, sự làn tràn các loại rượu, bia rẻ tiền và giảm hoạt động thể thao… đã làm cho khá nhiều người nghèo mắc bệnh này.

Những thống kê gần đây cho thấy, tỷ lệ người béo phì cũng đang tăng cao ở những người lao động nghèo. Một đặc điểm rất dễ thấy là ở những người này, việc chống và giải tỏa stress trong cuộc sống rất đơn điệu vì không có điều kiện, chỉ có bằng thú vui ăn uống và bia, rượu.

Ở Việt Nam, trong thực hành bệnh viện và ở các phòng khám bệnh hằng ngày, chúng tôi bắt đầu thấy có hiện tượng đảo ngược đối tượng bệnh nhân bị bệnh gout như các nước phát triển.

Bệnh có chữa được không?

Bệnh gout là một bệnh mạn tính, bệnh kéo dài trong nhiều năm và có những thời gian bệnh ngừng xuất hiện làm cho người bệnh tưởng mình đã hết bệnh.

Bệnh có những cơn đau cấp tính thường xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng, đau rất dữ dội không thể chịu nổi. Chúng tôi đã thấy những bệnh nhân ngày thường uy nghiêm là thế đến khi cơn bệnh bộc phát họ gào khóc rên rỉ như một đứa trẻ con, trông rất tội nghiệp.

Có tới 50% số bệnh nhân bị đau ở ngón chân cái, một số bệnh nhân do bị bệnh lâu năm nên họ có thể có những tiền triệu giúp bản thân biết trước cơn đau sắp xảy ra.

Ở những bệnh nhân bị gout, xét nghiệm thường cho thấy có sự gia tăng của acid uric trong máu. Tuy nhiên, hiện nay, cũng có một hiện tượng đáng lưu ý khác là có một số bệnh nhân tuy có biểu hiện lâm sàng của bệnh nhưng lượng acid uric đo được trong máu luôn bình thường.

Đó là những bệnh nhân trung niên, tuổi trên 40, cơn đau thỉnh thoảng mới xảy ra giống hệt cơn đau của bệnh và thường sau một bữa ăn nhiều chất đạm kèm theo rượu, bia. Người ta gọi đó là tình trạng giả gout.

Bệnh tuy không gây chết người, nhưng gây tàn phế cao và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống; làm cho người bệnh luôn trong tâm trạng khổ sở, không dám ăn uống bất kỳ loại thức ăn nào; lúc nào cũng phải có sẵn thuốc làm giảm acid uric trong người…

Việc điều trị gout cũng khá phức tạp bao gồm: điều trị giảm triệu chứng trong cơn đau cấp, giảm acid uric và phòng ngừa các cơn cấp. Người bệnh cần nhất là được chẩn đoán chính xác và được theo dõi điều trị ở những thầy thuốc có kinh nghiệm. Trong đó, việc phòng ngừa bệnh là quan trọng nhất.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc ăn uống nhiều các loại thực phẩm có nhiều chất purin chưa chắc đã là nguyên nhân gây ra bệnh gout, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Ngay cả việc ăn kiêng thái quá cũng có thể gây nên tình trạng tăng acid uric trong máu. Nếu nhịn ăn thái quá có thể làm xảy ra các đơn gout cấp rất nguy hiểm. Vai trò của rượu, bia, đặc biệt là các loại rượu, bia rẻ tiền, thói quen ăn uống vô độ để giảm stress của một số người cũng rất quan trọng trong việc hình thành bệnh gout.

Một chế độ ăn hợp lý, một chút rượu ngon trong bữa ăn vừa là thú vui trong ẩm thực vừa phòng bệnh gout có hiệu quả.