Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh tay chân miệng bùng phát tại TP Hồ Chí Minh

Bài, ảnh: Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 tuần cuối tháng 9/2018, số ca bệnh tay chân miệng (TCM) nhập viện tại TP Hồ Chí Minh có hiện tượng gia tăng nhanh.

 Trong số những ca nhập viện vào Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 có đến gần 60% đến từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Sự quay lại của chủng virus Enterovirus 71

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, bắt đầu từ tháng 8, các ca bệnh TCM nhập viện có xu hướng tăng nhẹ. Và đến giữa tháng 9, số ca bệnh TCM nhập viện TP Hồ Chí Minh tăng đột biến. Theo đó trong tuần vừa qua tại TP Hồ Chí Minh đã có 289 ca bệnh TCM nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca).
 BV Nhi Đồng 1 hàng ngày tiếp nhận khá đông bệnh nhi liên quan đến bệnh tay chân miệng.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân các ca bệnh TCM tăng đột biến trong thời tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca TCM theo mùa. Đặc biệt, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 - chủng virus đã gây vụ dịch TCM lớn trên cả nước vào năm 2011. Bệnh TCM là bệnh do virus, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Đặc biệt, năm 2011 đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong, riêng tại TP Hồ Chí Minh có hơn 30 ca tử vong.

Kể từ năm 2012 đến nay bệnh TCM tại TP Hồ Chí Minh và trên cả nước có khuynh hướng giảm, chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú. Những lúc cao điểm tại TP Hồ Chí Minh có đến 200 trường hợp nhập viện.

Chiều 1/10, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi sở y tế các tỉnh thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, khống chế không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài. Theo thông tin mới, hiện cả nước đã có hơn 53.500 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, TP, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Đáng lưu ý, đến nay đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, TP ở khu vực phía Nam. Một số tỉnh, TP có số bệnh nhân mắc tích lũy tăng cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa -Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hà Nội.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao, khó hạ sốt và kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi khám.

Một dấu hiệu khác của bệnh TCM mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Nếu thấy trẻ giật mình, đặc biệt là lúc thiu thiu ngủ trên 2 lần trong 30 phút, chắc chắn phải đưa trẻ nhập viện ngay chứ không được chần chừ. Trường hợp nặng nữa là có thể run tay run chân, mạch nhanh, huyết áp tuột, thở mệt, tay chân lạnh.