70 năm giải phóng Thủ đô

Bệnh viện chủ động “hạ nhiệt” cho bệnh nhân trong ngày nắng nóng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này tại các tỉnh miền Bắc cũng như cả nước nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước tình hình đó, nhiều bệnh viện đã có nhiều biện pháp phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế.

Chủ động nhiều giải pháp giảm nhiệt

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình, mỗi ngày có khoảng 7.000-12.000 người tới khám chữa bệnh. Vì là tuyến cuối nên bệnh viện luôn trong tình trạng đông, nhiều bệnh nhân nặng. Một số khoa giường bệnh phải nằm ghép.

TS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để giảm tải, bệnh viện tổ chức nhiều ca khám chữa bệnh và hội chẩn từ xa cho tuyến dưới. Nhiều ca bệnh khó đã được phẫu thuật và điều trị ngay từ y tế cơ sở, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Bình
Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Bình

Đặc biệt, trong những ngày thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhân tới bệnh viện rất đông, bệnh viện cố gắng bố trí tối đa giờ khám bệnh sớm, làm việc đến cuối giờ trưa để bệnh nhân có kết quả xét nghiệm sớm, trở về trong ngày. Đồng thời, bố trí khu ngồi chờ khám có quạt mát, ghế ngồi để giảm bớt vất vả cho người bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thiết kế hệ thống phun sương nhằm giảm bớt oi nóng cho người nhà bệnh nhân nằm nghỉ phía ngoài.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trung bình mỗi ngày có 800 bệnh nhân nhập viện, tăng trên 15% so với trước, trong đó, gần một nửa là trẻ nhỏ. Trước số bệnh nhân tăng cao, các khoa, phòng tăng cường thêm quạt mát, điều hòa nhiệt độ, nước uống. Đồng thời, thêm bàn khám bệnh, bàn thu viện phí, phân giờ khám...

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi T.Ư, mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhi đến khám. Nhiều trẻ đã ốm, bệnh kéo dài nhiều ngày mới được bố mẹ đưa đến khám.

TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, BV Nhi T.Ư cho biết, số lượng bệnh nhi đến khám giai đoạn này cũng tăng lên hơn so với những tháng trước.. Như mọi năm, cứ vào mùa nắng nóng, nhiều bệnh nhi vào viện với các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa...

Bệnh viện Bạch Mai bố trí thêm ghế ngồi để giảm bớt vất vả cho bệnh nhân và và người nhà.Ảnh: Duy Minh
Bệnh viện Bạch Mai bố trí thêm ghế ngồi để giảm bớt vất vả cho bệnh nhân và và người nhà.Ảnh: Duy Minh

Nhằm giảm bớt áp lực cho bệnh nhi, người nhà cũng như các cán bộ y tế trong những ngày thời tiết nắng nóng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để giúp giảm nhiệt cho các bé, giảm thời gian chờ đợi cho gia đình bệnh nhi. Bệnh viện chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện như: Quạt, bạt che, nước uống, nước sinh hoạt, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh…

Để phòng tránh trẻ bị say nắng, say nóng trong mùa Hè, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý, những ngày nắng nóng, nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; không nên cho trẻ vận động cường độ cao và liên tục quá hai giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời.

Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, cho trẻ ngừng ngay việc tập luyện, vận động và vào chỗ có bóng mát nghỉ ngơi. Không thay đổi đột ngột môi trường của trẻ, nếu trẻ vừa đi ngoài về tránh cho vào phòng điều hòa nhiệt độ ngay; không nên để trẻ chạy nhảy, ra vào giữa phòng điều hòa nhiệt độ và không gian nóng bức bên ngoài.

Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thiết kế hệ thống phun sương nhằm giảm bớt oi nóng cho người nhà bệnh nhân nằm nghỉ phía ngoài. Ảnh: Duy Minh
Bệnh viện Bạch Mai cũng đã thiết kế hệ thống phun sương nhằm giảm bớt oi nóng cho người nhà bệnh nhân nằm nghỉ phía ngoài. Ảnh: Duy Minh

Trang bị đầy đủ mũ, quần áo, kính mắt, khẩu trang hoặc che chắn cẩn thận cho trẻ trước khi đi ra ngoài trời nắng. Đáng chú ý, nếu cho trẻ đi ô tô, tuyệt đối không để trẻ một mình trên xe; khi đỗ, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ…

Hãy tắm cho trẻ bằng nước mát khi nhiệt độ ngoài trời cao, nắng nóng gay gắt giúp điều hòa thân nhiệt của các bé. Ngoài ra bổ sung dinh dưỡng và vitamin đầy đủ cho trẻ để tăng sức đề kháng và sức khỏe.

Sẵn sàng cấp cứu kịp thời, bảo đảm an toàn cho người bệnh

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đặng Hoàng Điệp – Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cảnh báo, say nắng, say nóng thường hay xảy ra vào mùa Hè, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Bệnh viện Nhi T.Ư chủ động triển khai nhiều giải pháp để giúp giảm nhiệt cho bệnh nhi, giảm thời gian chờ đợi cho các gia đình bệnh nhi. Ảnh: Thanh Bình.
Bệnh viện Nhi T.Ư chủ động triển khai nhiều giải pháp để giúp giảm nhiệt cho bệnh nhi, giảm thời gian chờ đợi cho các gia đình bệnh nhi. Ảnh: Thanh Bình.

Trong khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.

“Khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải ngay lập tức đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát…) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ” - bác sĩ Điệp khuyến cáo.

Hiện nay, nắng nóng gay gắt bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và người lao động. Trước tình hình đó, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động.

Theo Bộ Y tế, vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng.

Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức. Những người mắc các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường...

Các triệu chứng gặp phải khi bị say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng là: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút (mức độ nhẹ); đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong (mức độ nặng).

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Tại phía trong khu vực của Bệnh viện Nhi T.Ư, nơi vui chơi cho trẻ em là lựa chọn cho các gia đình nghỉ ngơi buổi trưa. Ảnh: Duy Minh
Tại phía trong khu vực của Bệnh viện Nhi T.Ư, nơi vui chơi cho trẻ em là lựa chọn cho các gia đình nghỉ ngơi buổi trưa. Ảnh: Duy Minh

Người dân nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Để phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện. Đồng thời, tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.

Mặt khác, các cơ sở y tế cần khẩn trương lắp đặt ngay mái che lối đi giữa các khối nhà và tại khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh. Huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.

Bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ. Bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng.

 

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo, bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

Người dân nên hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.