Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc có coi thường tính mạng bệnh nhân?

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn của ông Nghĩa Văn Phúc (trú tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh về việc một số bác sĩ của Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc thiếu chuyên nghiệp, coi thường tính mạng bệnh nhân...

Trong đơn gửi báo Kinh tế & Đô thị, ông Phúc nêu: Khoảng 10h30 ngày 10/5, chị Nguyễn Thị Bình có đưa chồng là anh Nghĩa Văn Phương (anh trai ông Nghĩa Văn Phúc, trú tại thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) đến khám bệnh tại Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc (xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Tại đây, anh Phương được bác sĩ Tạ Thị Thanh Xuân tiếp nhận, khám và được chuyển đến phòng bệnh Khoa Hồi sức Cấp cứu. 

Đơn của ông Nghĩa Văn Phúc gửi đến báo Kinh tế & Đô thị
Đơn của ông Nghĩa Văn Phúc gửi đến báo Kinh tế & Đô thị

Sau 2 ngày nằm điều trị tại khoa này, đến khoảng 00h ngày 12/5, anh Phương tự trở về nhà trong trạng thái hoảng loạn, rối loạn thần kinh, mất kiểm soát hành vi. Ngày 13/5, ông Nghĩa Văn Phúc cùng chị Nguyễn Thị Bình tiếp tục đưa anh Nghĩa Văn Phương trở lại Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc trong tình trạng nguy kịch, giãn đồng tử, mất nhận thức, kiểm soát về hành vi, kèm theo 1 vết thương trên mu bàn tay phải, dài khoảng 3cm, chưa cầm máu.

Vẫn theo đơn, trong quá trình khám, chữa bệnh sau đó, gia đình bệnh nhân Nghĩa Văn Phương không hài lòng, có nhiều khiếu nại liên quan đến quy trình, cách làm việc của một số bác sĩ, y tá tại Bệnh viện, như coi thường tính mạng người bệnh và người nhà bệnh nhân, gây hậu quả nghiêm trọng khiến bệnh nhân bị tổn hại tới sức khỏe, tinh thần.

Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc - nơi đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nghĩa Văn Phương
Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc - nơi đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nghĩa Văn Phương

Trả lời phóng viên Báo Kinh tế &Đô thị về những nội dung trong đơn, Giám đốc Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc Phạm Thanh Minh đã cung cấp cho chúng tôi thông cáo báo chí. Theo đó, bệnh nhân Nghĩa Văn Phương nhập viện ngày 10/5, ra viện vào 13/5. Qua chẩn đoán, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, theo dõi do loét dạ dày/xơ gan. Theo đánh giá quy trình chuyên môn, căn cứ tiền sử thường xuyên uống rượu với số lượng lớn của bệnh nhân, tiền sử xơ gan 3 năm và các biểu hiện triệu chứng lâm sàng sáng 13/5 và căn cứ Quyết định số 2058/QĐ-BYT ngày 14/5/2020 của Bộ Y tế (về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp”), Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện hướng tới chẩn đoán: Bệnh nhân Nghĩa Văn Phương bị rối loạn tâm thần do rượu.

Nguyên nhân do hội chứng cai rượu thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến 5 sau khi ngừng uống rượu với các triệu chứng như vã mồ hôi, run tay chân, mất ngủ, mệt mỏi, kích động tâm thần vận động… Điều này cơ bản phù hợp với diễn biến lâm sàng trong quá trình điều trị của bệnh nhân. “Đây là diễn biến của bệnh chứ không phải nguyên nhân do bác sĩ gây ra” - ông Minh nói. 

Thông cáo báo chí của Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc
Thông cáo báo chí của Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc

Về giải quyết một số vấn đề theo đơn khiếu nại của gia đình bệnh nhân, thông cáo báo chí nêu: Nội dung gia đình bệnh nhân phản ánh bác sĩ Bùi Thị Hoa yêu cầu tiêm, khâu dịch vụ ngoài; ngày 13/5, bệnh nhân được người nhà đưa quay lại bệnh viện trong tình trạng kích thích, nói nhiều, mu bàn tay có vết thương rách da, rỉ máu (đã cầm máu), bác sĩ Hoa có đề nghị bác sĩ Nguyễn Văn Bằng (khoa nội) tiêm an thần, nhằm giảm tình trạng kích thích cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, bệnh nhân đang trong tình trạng thần kinh kích động, không hợp tác nên chưa thực hiện được việc tiêm thuốc. Và do bệnh nhân Nghĩa Văn Phương không có thẻ Bảo hiểm y tế nên mọi chi phí phát sinh, bệnh nhân phải chi trả 100% theo chế độ dịch vụ. Bệnh viện đã thu phí theo quy định, tuy nhiên bác sĩ Hoa không giải thích rõ, dẫn đến hiểu nhầm của gia đình. Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc đã nhắc nhở để cán bộ, nhân viên có sự giải thích rõ ràng hơn, tránh thắc mắc của người bệnh.

Về nội đơn của ông Nghĩa Văn Phúc cho rằng có việc bác sĩ Bằng gọi riêng cho chị Bình sang phòng khác và có hành vi mờ ám, thủ đoạn, gian lận tinh vi để lừa chị Bình (vợ bệnh nhân) viết giấy gì đó với nội dung không tự nguyện vào tờ giấy “tờ điều trị”, thông cáo cho rằng: Bác sĩ Bằng tường trình việc mời bệnh nhân sang phòng hành chính của khoa, trước sự có mặt của nhiều nhân viên y tế là để giải thích cho gia đình về tình trạng bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng và yêu cầu chuyển lên bệnh tuyến trên để điều trị chuyên khoa.

Có hay không việc Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc coi thường tính mạng bệnh nhân, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn của ngành Y tế
Có hay không việc Bệnh viện GTVT Vĩnh Phúc coi thường tính mạng bệnh nhân, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn của ngành Y tế

Tuy nhiên, vợ bệnh nhân có nguyện vọng tiếp tục cho chồng điều trị tại khoa. Vì vậy, bác sĩ điều trị yêu cầu phải viết cam kết với nội dung đã được nghe bác sĩ giải thích về tình trạng nguy cơ diễn biến nặng của bệnh nhân và tự nguyện tiếp tục ở lại điều trị tại khoa. Vợ của bệnh nhân đang viết đơn xin tự nguyện điều trị thì bị người nhà khác yêu cầu dừng viết đơn, không có việc bác sĩ Bằng liên tục tác động cho bệnh nhân ra viện. Bệnh viện cũng yêu cầu bác sĩ Bằng rút kinh nghiệm, cung cấp giấy trắng thay cho “tờ điều trị” để người nhà bệnh nhân viết đơn.

Việc bác sĩ Bằng không tiếp nhận đơn của người nhà bệnh nhân về việc cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án của bệnh nhân là do không đúng thẩm quyền giải quyết của bác sĩ Bằng. Bệnh viện đã nhắc nhở bác sĩ Bằng hướng dẫn rõ hơn về quy trình tiếp nhận giải quyết, cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án để gia đình bệnh nhân hiểu và hợp tác.

Về nội dung đơn, liên quan đến việc các bác sĩ trong khoa có hành vi không đúng chuẩn mực theo đạo đức nghề nghiệp trong tiếp xúc, đối xử của ngành y đối với công dân, Thông cáo cho rằng: Trong quá trình giải thích tình trạng và hướng giải quyết của bệnh nhân (đối với người nhà), các bác sĩ trong khoa đã cố gắng giải thích và không để người nhà bệnh nhân thực hiện việc sao chụp bệnh án của bệnh nhân, nên phát sinh một số bất đồng trong quan điểm. Các nhân viên y tế trong khoa không có lời nói, hành động nào vi phạm quy định của Bộ Y tế về quy chế giao tiếp. Tuy nhiên, Bệnh viện cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên cần bình tĩnh, kiềm chế hơn nữa trong việc giải thích để bệnh nhân, người nhà hợp tác…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần