Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viện Hữu nghị cứu sống người bệnh nhồi máu não do đột quỵ

Hương Thủy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô vừa cứu sống 2 người bệnh nhồi máu não do đột quỵ bằng phương pháp tiêu sợi huyết và can thiệp nút phình động mạch.

Nhồi máu não chiếm khoảng 80% trong tổng số đột quỵ não, tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư, di chứng tàn tật đứng hàng đầu. Những người thoát khỏi tử vong thường để lại di chứng nặng nề về thể xác và tâm thần như: Mất khả năng lao động, phải có người chăm sóc thường xuyên... là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Người bệnh bị đột quỵ não thường có biểu hiện rõ trên gương mặt khi cười, nhe răng. Người bệnh có thể yếu hoặc liệt tay chân hoặc có vấn đề về ngôn ngữ như không thể hiểu, nói, hoặc lặp lại một số từ đơn giản... Bệnh này thường hay gặp ở những người cao tuổi song hiện nay độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Đây là nỗi lo không của riêng ai.
Bệnh nhân Phạm Văn Thông đang được bác sĩ thăm khám.

Điều trị tiêu sợi huyết giờ vàng: Hiệu quả tối ưu bệnh nhân đột quỵ não
Đột quỵ do nhồi máu não rất nguy hiểm, chỉ đứng sau ung thư, tim mạch và tỷ lệ mắc ngày càng cao trong những năm gần đây. Với phương pháp tiêu sợi huyết được triển khai thường quy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô đã cứu chữa thành công cho rất nhiều bệnh nhân đột quỵ não thoát khỏi "tử thần" mà không để lại bất kỳ di chứng nào.
Ngày 19/9/2019, Bệnh nhân Phạm Văn Thông (sinh năm 1960, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang ngồi chơi thấy xuất hiện tê bì nửa người, yếu nửa người liệt mặt nhẹ. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2, rối loạn đông máu, đục thủy tinh thể. Sau khi chụp MRI sọ não xuất hiện nhồi máu não đa ổ rải rác 2 bán cầu và tiểu cầu. Các bác sĩ đã cho chỉ định tiêu sợi huyết.
Sau thực hiện kỹ thuật can thiệp, ông Phạm Văn Thông đã phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng nào. Không chỉ có bệnh nhân Thông mà rất nhiều trường hợp nhồi máu não cấp khác cũng đã được cứu chữa kịp thời nhờ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Trước đây, khi chưa có phương pháp này các bệnh nhân đột quỵ mặc dù được cứu sống, nhưng thường bị để lại các di chứng như liệt nửa người, liệt tứ chi, không nói được, méo mặt... gây hậu quả vô cùng nặng nề cho bản thân người bệnh và gia đình.
Phương pháp tiêu sợi huyết là một kỹ thuật điều trị triệt để và tối ưu nhất đối với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp, làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà không cần phẫu thuật hay can thiệp, người bệnh sau điều trị hồi phục nhanh, giảm nguy cơ liệt. Được chỉ định trên người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não cấp trong vòng 4,5 giờ đầu. Đây là kỹ thuật an toàn, làm giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật đến 30%. Vì vậy, gia đình người bệnh phải ghi nhớ chính xác thời điểm đầu tiên bị đột quỵ là rất quan trọng.

Theo TS. BS Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, Trưởng hồi sức tích cực và chống độc cho biết: "Đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 80% trong tổng số đột quỵ não do tắc động mạch cấp máu và oxy cho não, làm chết tế bào não. Tỷ lệ tử vong cao, di chứng tàn tật đứng hàng đầu.

Hiện nay, có 2 phương pháp can thiệp hiệu quả trong trường hợp này là tiêu sợi huyết dùng can thiệp trong tắc mạch máu nhỏ và hút huyết khối - can thiệp trong tắc mạch máu nhánh lớn, là kỹ thuật khó nhất hiện nay trong can thiệp mạch máu (2 phương pháp này hiện được triển khai thường quy tại bệnh viện).
Tuy nhiên, thời gian lý tưởng nhất để triển khai được các kỹ thuật này (còn được gọi là "giờ vàng" của người bệnh) là từ 4 - 5 tiếng tính từ khi phát hiện có các dấu hiệu đột quỵ đầu tiên. Mỗi 1 phút trôi qua, là có 2 triệu tế bào não bị chết, do vậy, người bệnh được can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi càng tốt, gần như phục hồi hoàn toàn".
Khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện Hữu Nghị đang đặt stent mạch vành

Bệnh viện Hữu nghị cứu sống người bệnh nhồi máu não do đột quỵ - Ảnh 3
TS. BS Nguyễn Thế Anh cùng các bác sĩ hội chẩn ca bệnh đột quỵ bằng hệ thống ứng dụng công nghệ không phim. Hình ảnh được chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống trực tuyến để các bác sĩ hội chẩn.

Trong những năm gần đây, Bệnh viện Việt - Xô thực hiện thành công nhiều ca nhồi máu não... Tuy nhiên, thời gian phục hồi của mỗi người bệnh khác nhau, phụ thuộc vào "thời gian vàng" khi được đưa vào can thiệp. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người thân có các dấu hiệu đột quỵ (méo miệng, tê tay chân, yếu tay chân, đột ngột mất ý thức..., gia đình nên đưa ngay đến bệnh viện.

Đột quỵ phải được xử trí tức thời, người thân phải quyết đoán trong thời khắc sinh tử, không nên trì hoãn đưa đi cấp cứu vì sẽ làm mất "thời gian vàng". Đặc biệt, không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y để điều trị sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Hồi 18h chiều 3/9, bệnh nhân Nguyễn Thị Hảo (74 tuổi, phường Quỳnh Lôi quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đau đầu chóng mặt, buồn nôn và nôn ra thức ăn, tức nặng ngực trái. May mắn được gia đình phát hiện và đem tới Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã được các bác sĩ Cấp cứu.

  

Thoát khỏi tay từ thần nhờ can thiệp nút phình động mạch não kịp thời

Tình trạng lúc nhập viện của bệnh nhân được các bác sĩ hội chẩn các khoa Cấp cứu, Chuẩn đoán hình ảnh, Hồi sức tích cực, Tim mạch can thiệp đánh giá đau tức ngực trái. Qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân xuất hiện xuất huyết não dưới nhện lan tỏa 2 bán cầu, ưu thế bên trái, có nhiều tổ chức máu cục trong rãnh Sylvius kèm theo phù não lan tỏa bán cầu trái.

Cuộc hội chẩn liên khoa thống nhất nhận định: Bệnh nhân bị chảy máu dưới nhện lan tỏa 2 bán cầu, phù não lan tỏa bán cầu trái do vỡ phình mạch não ở mức độ nguy hiểm nhất trong các tổn thương vỡ phình mạch máu não.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hảo đang được bác sĩ thăm khám

TS BS Bùi Long - Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Hữu Nghị nhận định: "Lúc nhập viện, tình trạng bệnh nhân rất nặng nên chúng tôi đã tiến hành chụp MRI phát hiện có túi phình động mạch não giữa cổ trái rộng 3.1mm; sâu 1.7mm nằm ở trung tâm vùng máu cục của rãnh Sylvius. Tiên lượng tử vong rất cao nên đã tiến hành can thiệp nút phình động mạch não".

Đến nay, nửa tháng sau khi nhập viện vì bất ngờ bị "tử thần ghé thăm", bệnh nhân Hảo đã qua cơn nguy kịch và đang được điều trị với sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, bệnh nhân Hảo sẽ được chăm sóc phục hồi chức năng và nâng cao thể trạng.

Được biết, các phương pháp can thiệp mạch máu não được tiến hành thường quy tại khoa Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô đã cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nhân rất nguy kịch do vỡ phình mạch máu não.