Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viện Tâm Anh công bố hơn 100 ca mổ não, tủy sống thành công

Uyên Trinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minhghi dấu mốc kỷ lục 100 ca phẫu thuật u não, u tủy sống và đột quỵ xuất huyết não bằng Robot AI đầu tiên thành công, đem lại hy vọng sống cho nhiều người bệnh.

Tại buổi tọa đàm công bố 100 ca mổ não đầu tiên bằng Robot AI, Thầy thuốc ưu tú, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, chia sẻ niềm tự hào khi nhìn thấy hình ảnh nhiều người bệnh đã khỏe mạnh, đi lại, sinh hoạt bình thường sau khi được phẫu thuật bằng Robot AI. 

Nhiều người bệnh yếu liệt sau phẫu thuật đã đi lại được, hoặc sáng mắt sau thời gian dài mắt mờ và mù hẳn. Các bệnh nhân nhi 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, không nói được, suy nghĩ loạn thần, cận kề cái chết đã được cứu sống ngoạn mục.

“Chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến những khoảnh khắc hồi sinh này” - bác sĩ Tấn Sĩ nói.

Cũng như bao đồng nghiệp, trong hơn 30 năm qua, ông luôn không tránh khỏi cảm giác lo lắng mỗi khi bước vào ca phẫu thuật thần kinh sọ não. Bởi lẽ ai cũng hiểu rằng phần lớn người bệnh sẽ gặp nguy hiểm tính mạng nếu không được phẫu thuật kịp thời. Song, ngay cả khi được phẫu thuật, họ cũng có thể đối mặt với những di chứng nặng nề, bất khả kháng.

Bác sĩ Tấn Sĩ (ngoài cùng bên trái) trong một ca mổ xuất huyết não bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Tấn Sĩ (ngoài cùng bên trái) trong một ca mổ xuất huyết não bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.

Theo bác sĩ Tấn Sĩ, hạn chế của kỹ thuật mổ não truyền thống là bác sĩ chỉ có thể quan sát khối u, khối máu tụ và các bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành một cách rời rạc trên từng hình ảnh riêng biệt của phim X-quang, CT hoặc MRI. 

Bác sĩ không thể quan sát tổng thể các tổ chức bên trong não, bao gồm khối u, khối máu tụ và các cấu trúc lành như bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành, mạch máu trên cùng một hình ảnh. Vì vậy, bác sĩ khó có được góc nhìn toàn diện để tránh làm tổn thương các cấu trúc lành khi đưa dụng cụ mổ vào não hay tủy sống.

Trong khi đó, Robot AI và hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh siêu hiện đại giúp bác sĩ có thêm “những con mắt thần” để nhìn thấy được toàn diện cấu trúc não hoặc tủy sống bao gồm cả khối u, khối máu tụ trên cùng một hình ảnh không gian 3 chiều (3D). Đồng thời, công nghệ AI còn chỉ ra các đường tiếp cận khối u, khối máu tụ mà không làm tổn thương các bó sợi thần kinh hay vùng não, vùng tủy lành. 

Êkip bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh đang mổ khối u tủy sống bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.
Êkip bác sĩ khoa Phẫu thuật Thần kinh đang mổ khối u tủy sống bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.

Từ đó, Robot AI cho phép bác sĩ mổ mô phỏng “thực tế ảo” trước trên phần mềm chuyên dụng. Bác sĩ có nhiều thời gian nghiên cứu các phương án và đưa ra quyết định chọn vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong sọ não, tủy sống người bệnh theo cách hiệu quả, thuận tiện và an toàn nhất, tránh phạm phải cấu trúc lành.

Trong quá trình phẫu thuật thực tế, dữ liệu hoạch định từ ca mổ mô phỏng sẽ được truyền lên Robot và các thiết bị hiện đại trong phòng mổ. Mọi thao tác của bác sĩ đều được Robot AI giám sát chặt chẽ. Robot giúp định vị chính xác vị trí tổn thương trong não hoặc tủy sống, dẫn đường, theo dõi và phát cảnh báo, đảm bảo ca mổ diễn ra đúng theo kế hoạch đã xác lập từ trước.

Khi tiếp cận khối u, bác sĩ sử dụng hệ thống “cắt hút siêu âm Cusa” chuyên dụng để “đánh nhỏ”, giảm kích thước, hút và loại bỏ hoàn toàn u não, u tủy sống. Nhờ đó, chức năng thần kinh của người bệnh được bảo toàn tối đa, hạn chế tối đa các di chứng sau mổ não, người bệnh phục hồi nhanh và có thể xuất viện sớm.

Bác sĩ Tấn Sĩ thăm một bệnh nhi sau ca mổ loại bỏ khối u 5cm, nằm sâu 8cm trong não bé. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Tấn Sĩ thăm một bệnh nhi sau ca mổ loại bỏ khối u 5cm, nằm sâu 8cm trong não bé. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh.

Robot AI cũng giúp bác sĩ mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não theo kỹ thuật ENRICH. Đột quỵ xuất huyết não là tình trạng xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, gây chảy máu, tụ máu trong não. Kỹ thuật mổ ENRICH bằng Robot AI hướng đến xử lý cấp cứu sớm, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại, giúp bác sĩ thao tác chính xác và loại bỏ khối máu tụ tối đa, đồng thời cầm mạch máu vỡ hiệu quả, người bệnh hồi phục nhanh. 

Báo cáo với Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết mổ não, tủy sống bằng Robot AI (Modus V Synaptive) giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật. Chi phí thấp hơn 40 lần so với mổ tại Mỹ cùng công nghệ, được thanh toán bảo hiểm y tế. 

Bác sĩ Tấn Sĩ và các cộng sự tại khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh là êkip duy nhất tại Việt Nam có chuyên môn và kinh nghiệm vận hành, làm chủ công nghệ Robot AI. Trên thế giới hiện chỉ có 14 nước sử dụng công nghệ này, đa phần ở các quốc gia phát triển.