Hóa chất, thiết bị, vật tư y tế thiếu trầm trọng
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, BV đang gặp những khó khăn không thể tự giải quyết. Sau đại dịch Covid-19, trong năm 2022, BV đã thực hiện hơn 79.000 ca mổ. Hiện bệnh nhân chờ điều trị còn rất nhiều nhưng BV lại vướng mắc về cơ chế, chính sách mua hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Nhiều trang thiết bị y tế đã hết hạn từ ngày 31/12/2022 nhưng chưa được gia hạn, điều này dẫn đến BV không mua được hóa chất xét nghiệm và một số vật tư y tế tiêu hao... Hiện tại, hóa chất xét nghiệm công thức máu tại BV chỉ còn khoảng 1 tuần nữa không còn để sử dụng; hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần.
Riêng tại BV Việt Đức, chi phí xét nghiệm khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng và chi phí đầu tư cho hệ thống xét nghiệm lên tới 50 tỷ đồng. Ngoài ra, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn. “Đây là vấn đề cấp cứu cần phải xử lý, làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, các BV sẽ gần như không làm được” - GS.TS Trần Bình Giang nói.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như tính giá dịch vụ, đấu thầu thuốc tập trung, mua thuốc, thuốc hiếm, thuốc gây nghiện… chưa biết xử lý thế nào để các BV có thể hoạt động được.
Bức thiết nhất là hiện nay, tại các BV lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để dành chăm sóc người bệnh, một số hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh đã gần hết, chỉ còn đủ sử dụng trong thời gian ngắn.
Trước mắt, để bảo đảm hoạt động của BV, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh (KCB) cấp cứu, ban lãnh đạo BV yêu cầu, các khoa lâm sàng hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu, hạn chế tối đa các ca mổ phiên, bắt đầu từ ngày 1/3 tới đây, đến khi có thông báo tiếp theo. Trong đó, việc phẫu thuật sẽ ưu tiên mổ cấp cứu.
Theo lý giải của lãnh đạo BV Hữu nghị Việt Đức, từ năm 2015, BV không có tiền từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động chi không thường xuyên, mua máy móc. Máy móc xét nghiệm có giá từ 250 - 300 tỷ nên BV đưa ra giải pháp đấu thầu công khai để mua hóa chất xét nghiệm, sau đó các công ty sẽ đặt máy sử dụng hóa chất đó. Các công ty sẽ lo những vấn đề như bảo hành, bảo trì các hệ thống phần mềm đi kèm cho máy hoạt động, kiểm định, kiểm chuẩn để đảm bảo máy hoạt động chính xác.
Đến năm 2022, cơ quan quản lý ra công văn cho rằng, việc sử dụng máy mượn, máy đặt không có trong quy định pháp luật và đề nghị dừng. Mặc dù, Chính phủ có Nghị quyết 144 để tháo gỡ khó khăn nhưng chỉ có giá trị cho những hợp đồng đặt mua hóa chất và đặt máy trước ngày 5/11/2022. Vì vậy, BV không có hóa chất để dùng.
Trước thực tế đó, BV Hữu nghị Việt Đức đã đưa ra 3 phương án. Thứ nhất, đó là mua máy để làm. Tuy nhiên, mua máy cần đấu thầu mất 6 tháng, BV không có tiền hoặc phải đi vay… Máy xét nghiệm đắt sẽ đi kèm với hóa chất của hãng. Đấu thầu mua hóa chất sử dụng cho máy rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất hay chỉ định thầu sẽ vi phạm pháp luật.
Thứ hai, thuê máy cũng sẽ như phương án thứ nhất vì hóa chất đi theo máy, không thể mua hóa chất khác được. BV lại rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật nếu như chỉ có một hóa chất. Thứ ba, liên doanh, liên kết để có thể sử dụng hóa chất nhưng không có quy định nào của pháp luật về chuyện này.
Như vậy cả 3 phương án đều không khả quan. BV thông báo đến tất cả các khoa, phòng, trong vòng một tuần nữa, BV sẽ hết các hóa chất xét nghiệm, chỉ có thể thực hiện ca cấp cứu.
Thiếu thiết bị y tế, người bệnh phải chuyển lên tuyến trên
Hiện tại, không chỉ BV Hữu nghị Việt Đức mà nhiều đơn vị khác như BV Bạch Mai, K, Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng gặp khó khăn.
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai thông tin, trong giai đoạn hiện nay, do thiếu vật tư, thiếu thuốc nên các BV tuyến dưới đã chuyển người bệnh đến BV Bạch Mai.
Nếu như mọi năm, bước vào quý II, số lượng bệnh nhân tại BV mới đông thì năm nay, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, BV đã khám ngoại trú cho 6.000 bệnh nhân. Chính vì vậy, BV hiện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ KCB.
3 năm qua, BV thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, đồng nghĩa với việc gặp rất nhiều khó khăn nội tại. Đơn cử như một số lãnh đạo tiền nhiệm vướng vấn đề pháp lý, sau đó là dịch bệnh và giá viện phí hiện tại quá thấp, không được tính đúng, tính đủ... Về máy móc, trang thiết bị y tế, BV cũng đang thiếu trầm trọng.
“Hầu hết các thiết bị của BV Bạch Mai 10 năm qua là thực hiện liên doanh, liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và chúng tôi đang chờ các quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được. Trong khi đó, việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới, BV không có nguồn ngân sách nào” - GS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Trong điều kiện thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư, thuốc, tập thể BV Bạch Mai cũng đã ngày đêm tìm giải pháp, tập trung vào công tác mua sắm thuốc phục vụ số lượng lớn bệnh nhân.
Nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc về mua sắm, thiếu thiết bị y tế mà BV đang gặp phải, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy cho hay, từ ngày 1/1/2022 khi Nghị định 98/2021 có hiệu lực thi hành đến nay, việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn.
Hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa, bảo trì. Vì vậy, hiện BV thiếu hoặc phải d
Tại BV Bạch Mai, trung bình mỗi ngày có từ 8.000 - 10.000 người đến khám và điều trị nội trú cho khoảng 4.000 người. Đặc biệt, khác với mọi năm, năm nay, ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân đến BV tăng đột biến. Trong khi đó, thiết bị phục vụ KCB tại BV hiện thiếu trầm trọng.
GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Maiừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao.
"Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng KCB cho Nhân dân. BV thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh” - bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng thừa nhận, ngành y đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng lo ngại là tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục triệt để.
Chưa kể, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị vẫn còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để. Hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế vẫn còn những bất cập nhất định và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công…
Trước rất nhiều vấn đề tồn tại của ngành y đang được phản ánh, Chính phủ, Bộ Y tế đang tập trung tìm giải pháp để tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài. Theo quy định hiện hành, việc mua các vật tư tiêu hao phải đảm bảo các vật tư đó được phép lưu hành trên thị trường và có giấy phép. Hầu hết giấy phép cho các vật tư tiêu hao hiện nay chưa được cấp, chưa được gia hạn khiến các BV gặp khó trong việc mua.
Từ năm 2022, tại các BV cũng như trên thị trường đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong KCB cho người dân. Ngay sau đó, Quốc hội, Chính phủ cùng Bộ Y tế và các bộ, ngành đã có rất nỗ lực, cố gắng để giải quyết vấn đề này.