Bệnh viện thu hồi sữa của công ty trong vụ sữa giả
Kinhtedothi - Ngày 17/4, Bệnh viện (BV) T.Ư Quân đội 108 đã có thông tin gửi các cơ quan báo chí về việc sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus tại BV.
BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, vừa qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông đăng tải thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đối tượng trong vụ án là Công ty Rance Pharma địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội và Công ty Hacofood Group, địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội cùng một số công ty khác có liên quan trực tiếp.

Hình ảnh một tài khoản đăng tải lên mạng xã hội về việc mua sữa tại BV T.Ư Quân đội 108
Sau khi nắm được thông tin, BV đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong BV thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty trên sản xuất. Mặc dù chưa có thông tin của cơ quan chức năng về sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus là sữa giả hay không, nhưng để đảm bảo quyền lợi người bệnh, ngay sau đó, lãnh đạo BV đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn dừng tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus và thu hồi sản phẩm này để trả lại đơn vị cung ứng.
Lãnh đạo BV đề nghị các đơn vị liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng, đồng thời đồng hành cùng người bệnh yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người bệnh.
Sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được sử dụng trong BV đã trải qua quá trình đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định. Do vậy, sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus nếu được cơ quan chức năng của Nhà nước kết luận là sản phẩm giả thì BV và người bệnh là bên bị hại của vụ việc này.
Trước đó, một tài khoản đăng tải lên mạng xã hội với nội dung: “Mẹ tôi đã uống sữa giả sau khi phẫu thuật ung thư tuyến giáp ở BV T.Ư quân đội 108. Khi tìm kiếm "Hofumil Gold Plus" thì không có thông tin trên google. Loại sữa phải trả tiền thêm không nằm trong chi trả bảo hiểm y tế. Hôm đó, tôi có cầm lọ sữa lên, thấy lạ hoắc thì nghĩ bệnh viện làm thì an tâm rồi, nên không kiểm tra kỹ”.
Tuy nhiên, người này phát hiện ra loại sữa do Công ty CP Dược phẩm quốc tế Rance Pharma sản xuất. Sau đó, người này liên hệ ngay với BV, được trả lời sẽ thu hồi và hoàn tiền cho các bệnh nhân đã mua sữa trong đợt điều trị tại BV.

Vụ sữa giả thu 500 tỷ đồng: người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”
Kinhtedothi - Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, bức xúc khi vụ sản xuất sữa giả, doanh thu lên tới 500 tỷ đồng vừa bị cơ quan điều tra phanh phui. Vụ việc gióng lên hồi chuông báo động thị trường nội địa bị buông lỏng quản lý, người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”.

Vụ sữa giả: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chính thức lên tiếng
Kinhtedothi - Ngày 17/4, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, trong gần 600 sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, Chi cục ATVSTP Hà Nội thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm (12%), chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai…

Sau vụ sữa giả, công an lại bóc trần đường dây sản xuất thuốc giả thu lợi gần 200 tỷ đồng
Kinhtedothi - Công an tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận choáng váng khi công bố triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả cực lớn do Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu. Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, tiếp nối sau vụ sữa giả “600 loại” gây chấn động dư luận…