Cơ chế hợp tác này mở rộng mạnh mẽ vào đầu năm nay, khi không dưới 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko gần đây tuyên bố rằng có 24 quốc gia thực tế có khả năng trở thành thành viên.
Điều gì có thể thúc đẩy các quốc gia khác biệt về mặt văn hóa, địa lý và chính trị liên kết với nhau?
Thứ nhất, BRICS không tìm cách dồn các thành viên vào một nhóm lợi ích hẹp và cũng không áp đặt các bài kiểm tra về mặt ý thức hệ hoặc nhấn mạnh vào một cấu trúc chính trị nhất định.
Bên cạnh đó, BRICS cung cấp một phương tiện để các quốc gia bị bỏ lại bên lề các thể chế do phương Tây kiểm soát có tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Mặt khác, cựu chuyên gia phân tích của Goldman Sachs, Jim O'Neill, trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi năm ngoái, khẳng định với tờ Financial Times rằng nhóm đến nay "chưa đưa ra các mục tiêu cụ thể" ngoài "tính biểu tượng mạnh mẽ".
Và thực sự, sức mạnh của BRICS cho đến nay thường chỉ được thể hiện ở tiềm năng kinh tế - tỷ lệ phần trăm so với GDP toàn cầu, hoặc dân số, hoặc sản lượng dầu, hoặc số lượng thành viên (các thành viên hiện tại là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Iran và Ethiopia).
Trong số những thành tựu cụ thể của khối, có lẽ đáng chú ý nhất là việc thành lập một ngân hàng phát triển nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được thành lập vào năm 2015 với trụ sở chính tại Thượng Hải và được cấp 50 tỷ USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững. Cùng thời điểm đó, một quỹ tiền tệ của BRICS có tên là Thỏa thuận Dự trữ Dự phòng (CRA) - một giải pháp thay thế cho IMF - đã được thành lập.
Tuy nhiên, chúng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng. NDB mới chỉ phê duyệt số dự án trị giá 33 tỷ USD, trong khi Ngân hàng Thế giới đã cam kết 128 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2023. Theo phân tích Reuters trích dẫn, trong số các dự án được BRICS chấp thuận, khoảng hai phần ba là bằng USD.
Lĩnh vực khác mà BRICS được kỳ vọng sẽ mang lại điều gì đó hữu hình là tung ra đồng tiền riêng. Tuy nhiên chưa có lộ trình cụ thể cho việc này, số lượng nhất định các nền kinh tế trong BRICS sẽ cần phải tái cấu trúc để một kế hoạch như vậy khả thi. Ấn Độ đã thẳng thừng từ chối ý tưởng về một loại tiền tệ "cộp mác" BRICS.
Khả năng cao hơn là một phương tiện thanh toán sẽ được phát triển giữa các ngân hàng trung ương các nước thành viên, trở thành một loại tài sản dự trữ trung lập. Trong khi đó, chắc chắn cần đề cập đến một giải pháp thay thế của BRICS cho hệ thống SWIFT của phương Tây.
Tất nhiên, những diễn biến này vô cùng quan trọng và được coi là một thành tựu thực sự, nhưng khó xảy ra trong một sớm một chiều, ít ra đối với ý tưởng về một loại tiền tệ mới.
Cuối cùng, mặc dù một số ít quốc gia BRICS có các thỏa thuận thương mại tự do, nhưng hiện chưa có thỏa thuận bao trùm toàn bộ nhóm 9 quốc gia. Mặc dù thương mại nội khối đã tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng - và ngày càng nhiều giao dịch được thanh toán bằng tiền tệ địa phương - sáng kiến do Trung Quốc đưa ra để đạt được thỏa thuận thương mại tự do trong khối chưa đi đến tiếng nói chung.
Do đó, có khoảng cách nhất định giữa những điều đang được tung hô và thực tế. Mục đích chỉ ra điều này không phải là để hạ thấp tầm quan trọng của BRICS mà thay vào đó, là chỉ ra rằng sự quan tâm nồng nhiệt đối với BRICS không chỉ đơn thuần là do giá trị của khối.
Theo bình luận viên Henry Johnston, điều đã kích hoạt "chuyến bay" này đến vùng đất an toàn hơn sự can thiệp "mạnh tay" của Mỹ thông qua hệ thống tài chính với các biện pháp trừng phạt đơn phương, mở rộng phạm vi trừng phạt thứ cấp và cũng sử dụng các biện pháp phong tỏa kinh tế và nhiều hình thức cưỡng chế khác nhau.