Bí quyết bảo đảm an toàn thực phẩm khi đi dã ngoại

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Hiện nay, việc đi du lịch dã ngoại, cắm trại trở thành sở thích, thói quen của nhiều gia đình ở Hà Nội. Đồ ăn mang theo những chuyến dã ngoại là yếu tố không thể thiếu, tuy nhiên bí quyết bảo quản đồ ăn ra sao cho thật tươi mới, an toàn cũng không thể bỏ qua.

Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm an toàn nhất là còn tươi, được bảo quản trong môi trường phù hợp như tủ lạnh, tủ đông, tủ đựng thức ăn hay nhà bếp… Khi bạn mang thực phẩm đi dã ngoại, điều đó cũng có nghĩa những món đồ sẽ theo bạn trong hành trình dài nhiều tiếng đồng hồ ở ngoài trời.

Thời tiết nắng nóng hiện nay tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do đó, người dân sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách.

Những bí quyết giúp bạn có được những bữa ăn an toàn khi bạn đi dã ngoại:

Làm sạch thực phẩm trước khi đi dã ngoại

Người dân làm sạch thực phẩm sẽ dùng khi đi dã ngoại. Rửa kỹ trái cây tươi (kể cả những loại có vỏ) và rau dưới vòi nước chảy trước khi đóng gói vào hộp mát.

Người dân rửa tay trước khi chuẩn bị thực phẩm cho chuyến dã ngoại và trước khi ăn giữ tay sạch sẽ. Nếu không thể rửa tay tại địa điểm dã ngoại, chúng ta hãy dùng khăn ướt để lau tay; sau đó dùng chất khử trùng để làm sạch tay trước khi dùng thực phẩm.

Nếu không dùng hết lượng thực phẩm mang theo, bạn nên cho vào hộp giữ mát để bảo quản
Nếu không dùng hết lượng thực phẩm mang theo, bạn nên cho vào hộp giữ mát để bảo quản

Bảo quản lạnh đồ ăn

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, thời gian từ khi chuẩn bị món ăn đến khi ăn có thể bảo quản dài hơn bình thường khi đi dã ngoại. Vì vậy, người dân cần dành thời gian để các thức ăn cần mang đi trong chuyến đi dã ngoại nguội và giữ chế độ làm mát, như các loại: thực phẩm có hạn sử dụng, món ăn đã nấu chín, salad và bánh mì đã chuẩn bị sẵn, các sản phẩm sữa và các loại gia vị ăn liền (nước chấm, các loại nước xốt).

Người dân nên đặt những thực phẩm này vào hộp hoặc túi mát có chứa đá hoặc túi gel đông lạnh và ở nhiệt độ dưới 8°C để ngăn chặn vi khuẩn phát triển.

Gói đồ ăn còn lại trong chuyến đi dã ngoại để sử dụng tiếp sau chuyến đi

Sau khi người dân đã dùng xong bữa ăn ngoài trời cùng bạn bè và người thân, nếu không dùng hết lượng thực phẩm mang theo, bạn nên cho vào hộp giữ mát để bảo quản. Nếu thời gian không vượt quá 4 giờ và thức ăn vẫn còn đảm bảo nhiệt độ mát đủ an toàn thì có thể cho phần thức ăn này vào tủ lạnh. Nếu quá thời gian trên, nên vất bỏ vì thực phẩm có thể không còn an toàn.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, xâm nhập đồ ăn, thức uống. Đặc biệt, khi du khách ăn, uống thực phẩm được giới thiệu là đặc sản địa phương của những người bán dạo ngoài trời tại các điểm du lịch thì rất dễ bị ngộ độc do bị nhiễm bẩn từ bụi, côn trùng, vệ sinh không đầy đủ hoặc do vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn.

Thêm vào đó, thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường gặp là vi khuẩn tả, vi khuẩn E.coli, Campylobacter... Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Tùy từng loại ngộ độc có thể gây sốt hoặc có triệu chứng rối loạn về thần kinh. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng phụ thuộc vào chủng vi khuẩn gây ngộ độc.

Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Tùy từng loại ngộ độc có thể gây sốt hoặc có triệu chứng rối loạn về thần kinh. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng phụ thuộc vào chủng vi khuẩn gây ngộ độc.

TS Nguyễn Trọng Thế - Chủ nhiệm khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn nếu chủ quan có thể có các biểu hiện rất nặng, thậm chí có nhiều trường hợp trong tình trạng suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Người bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường xuất hiện các triệu chứng sau khi ăn khoảng 6-24 giờ, bao gồm: đi ngoài phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón; buồn nôn, nôn, đau bụng hoặc chướng bụng; cảm giác buồn ăn nhưng không ngon miệng; sốt, mệt mỏi, suy nhược; đau đầu, chóng mặt; mất nước và điện giải, vã mồ hôi.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, TS Nguyễn Trọng Thế khuyến cáo, người dân cần chú ý ăn chín, uống sôi, tránh sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn.

Người dân tránh sử dụng các loại thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc; rửa tay với xà phòng thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.

Khi gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, người dân nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp tránh để lại các biến chứng đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, TS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân, đặc biệt là trẻ em nên rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống; bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến; nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch.

 

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi dã ngoại, du lịch, Cục An toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi. Không nên ăn món gỏi, tái sống và món chế biến sẵn của người bán dạo ở các khu du lịch hay ven bờ biển. Nếu tổ chức tiệc nướng ngoài trời nên chọn thực phẩm tươi sống và nướng chín ở nhiệt độ cao. Người dân không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Tránh sử dụng nước đóng chai và nước giải khát không rõ nguồn gốc. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không bảo đảm vệ sinh.