Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí quyết nuôi dạy con của bà mẹ được mệnh danh “Godmother của Thung lũng Silicon”

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Wojcicki đã trải qua hơn ba thập kỉ để hoàn thiện mô hình “học tập kết hợp” của riêng mình, phương pháp giảng dạy giúp học sinh chủ động hơn trong học tập và chú trọng sử dụng công nghệ có trách nhiệm.

Thật hiếm có trong một gia đình có nguồn gốc Do Thái có ba cô con gái tài năng đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong những lĩnh vực mà nam giới chiếm ưu thế và có tính cạnh tranh cao khủng khiếp. Đó chính là Susan- CEO của YouTube; Janet - Giáo sư về Nhi khoa tại Đại học California và Anne - CEO và nhà đồng sáng lập công ty 23andMe (công ty về di truyền học). Họ chính là thành quả giáo dục của người mẹ Esther Wojcicki, người được mệnh danh là “Godmother của Thung lũng Silicon”, nhà giáo dục nổi tiếng thế giới.
Tác giả cuốn sách ''Làm thế nào để nuôi dạy con thành công'' - Esther Wojcicki.
Những phương pháp giáo dục con và học sinh của bà đã được đúc kết trong cuốn sách vừa ra mắt "Làm thế nào để nuôi dạy con thành công". Esther Wojcicki sinh năm 1940 tại New York, gia đình bà là những người Do Thái gốc Nga di cư đến Mỹ. Bà bắt đầu làm công tác giáo dục từ hơn 35 năm trước, người sáng lập chương trình báo chí tại trường Trung học Palo Alto và phát triển phương pháp giáo dục của riêng mình. Phương pháp của bà được cả Steve Jobs, diễn viên nổi tiếng James Franco tán đồng và ưa thích. Minh chứng cho phương pháp giáo dục của bà chính là sự thành công vượt trội của bà cô con gái.
Khi ba cô con gái của Wojcicki đạt đến những vị trí hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và y tế, khi chương trình đào tạo báo chí của bà được công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế, mọi người bắt đầu nhận thấy bà đã làm một điều gì đó khác biệt. Họ thấy cách dạy con và phương pháp giáo dục của Wojcicki có thể đưa ra các giải pháp cho những vấn đề chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21, vì vậy, họ muốn biết nhiều hơn nữa.
Các bậc phụ huynh thường xuyên xin bà cho lời khuyên, thậm chí hỏi phương pháp bà đã áp dụng với các con gái để họ có thể áp dụng vào việc dạy dỗ con cái của họ. Các thầy cô giáo cũng thường băn khoăn về việc làm cách nào mà Wojcicki đã thoát ra khỏi vai trò của một người giữ nghiêm kỉ luật và thay vào đó, bà tìm ra cách để định hướng cho học sinh, khiến các em thực sự đam mê công việc chúng đang làm.
Để giải đáp tất cả các thắc mắc đó, bà đã chia sẻ phương pháp của mình trong cuốn sách Làm thế nào để nuôi dạy con thành công. Tất cả tóm gọn bằng một từ TRICK, viết tắt từ năm chữ cái đầu của các từ trong tiếng Anh: Trust (Tin tưởng), Respect (Tôn trọng), Independence (Tự lập), Collaboration (hợp tác), kindness (tử tế).
Tin tưởng: Khủng hoảng niềm tin đang diễn ra trên khắp thế giới. Cha mẹ sợ hãi, khiến con cái của họ cũng sợ hãi trong việc thể hiện con người chúng, sợ hãi nên không dám mạo hiểm hay đứng lên chống lại sự bất công. Niềm tin phải bắt đầu trước hết từ cha mẹ. Khi chúng ta tin tưởng vào các lựa chọn của mình trong vai trò là cha mẹ, chúng ta có thể tin tưởng con cái chúng ta sẽ có những bước đi quan trọng và cần thiết hướng đến sự mạnh mẽ và tự lập.
Tôn trọng: Sự tôn trọng cơ bản nhất chúng ta có thể thể hiện với con cái là tôn trọng sự tự chủ và những phẩm chất riêng của con. Mỗi đứa trẻ đều có một năng khiếu bẩm sinh và đứa trẻ đó là món quà tặng cho thế giới. Trách nhiệm của những người làm cha mẹ là nuôi dưỡng năng khiếu đó, cho dù đó là loại năng khiếu gì.
Tự lập: Tự lập phụ thuộc vào nền tảng vững chắc của niềm tin và sự tôn trọng. Chính những đứa trẻ học được cách tự kiểm soát và chịu trách nhiệm từ bé sẽ dễ dàng đối mặt với các thách thức khi trưởng thành hơn, đồng thời cũng có kỹ năng để đổi mới và tư duy sáng tạo. Những đứa trẻ thực sự tự lập sẽ có khả năng đương đầu với nghịch cảnh, với thất bại và sự nhàm chán, những khía cạnh không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Ba cô con gái thành đạt của Esther Wojcicki.
Hợp tác: Hợp tác mang ý nghĩa là làm việc cùng nhau trong một gia đình, trong lớp học, hoặc tại nơi làm việc. Cha mẹ hãy khuyến khích con cái đóng góp ý kiến vào các cuộc trao đổi, các quyết định, hay thậm chí là các hình thức kỉ luật. Trong thế kỉ 20, trẻ em luôn luôn nghe lời nên cha mẹ hoàn toàn kiểm soát mọi việc. Nhưng trong thế kỉ 21, ra lệnh sẽ không còn hiệu quả. Cha mẹ không nên bảo con cái phải làm gì. Thay vào đó, hãy để con cái nêu ý kiến và cùng bố mẹ tìm ra giải pháp.
Tử tế: Có một điều lạ nhưng lại là sự thật, đó là chúng ta luôn có xu hướng đối xử thiếu tử tế và thiếu quan tâm với những người thân nhất của mình, không như cách chúng ta vẫn đối xử với những người ngoài. Cha mẹ rất yêu con cái, nhưng vì quá gần gũi với con cái nên họ thường không đối xử tử tế với con mình. Và họ cũng không thường xuyên làm mẫu cho con về cách họ đối xử tử tế với thế giới nói chung.
Tử tế thực sự bao gồm lòng biết ơn, sự bao dung, quan tâm giúp đỡ mọi người và thừa nhận sự hiện diện của thế giới xung quanh bạn. Điều quan trọng là bạn cần cho con trẻ thấy rằng việc khiến bạn cảm thấy thú vị nhất và phần thưởng lớn nhất mà bạn nhận được là giúp cuộc sống của ai đó tốt đẹp hơn.
Wojcicki đã trải qua hơn ba thập kỉ để hoàn thiện mô hình “học tập kết hợp” của riêng mình, phương pháp giảng dạy giúp học sinh chủ động hơn trong học tập và chú trọng sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Các giáo viên trên khắp nước Mỹ giờ đây đang tích cực làm theo phương pháp của bà. Bà cũng thường xuyên đến châu Á, châu Âu, Mỹ La tinh để nói chuyện với những người đứng đầu ngành giáo dục, đồng thời giúp triển khai các chính sách mới về giáo dục của chính phủ dựa trên năm giá trị cốt lõi của TRICK.
Tác giả tin tưởng rằng TRICK không chỉ là cách nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc và thành công, mà còn là cách để khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người, dù ở bất kì lứa tuổi nào.