Trước những bất lợi của nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa từng có, BIDV đã thể hiện bản lĩnh, sức mạnh nội tại của ngân hàng hàng đầu, vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động thông suốt, quy mô tăng trưởng và kết quả kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường.
BIDV với phương châm hành động “Kỷ cương - Chất lượng - Chuyển đổi số” đã thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2021, mở đầu giai đoạn thực hiện chiến lược đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hoạt động bán lẻ chiếm 65% lợi nhuận
Nhìn lại năm 2021, tổng tài sản đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2020, vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng, tăng 10.365 tỷ đồng so với năm 2020, giữ vững vị thế là (ngân hàng thương mại) NHTM cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,61 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, nằm trong giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm 0,73% so với năm 2020, nằm trong mục tiêu NHNN giao năm 2021 (<1,6%). Tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82% so với năm 2020. BIDV cho hay, năm 2021, ngân hàng đã đạt kế hoạch lợi nhuận do NHNN giao (13.000 tỷ đồng). Các tỷ lệ an toàn đảm bảo đúng quy định; Chỉ số định hạng tín nhiệm quốc tế được nâng cao. Như vậy, nếu lợi nhuận trước thuế xoay quanh mức 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận BIDV tăng trưởng khoảng 44 - 45% năm 2021.
Chuyển đổi từ ngân hàng bán buôn sang trọng tâm vào bán lẻ là xu hướng chung của thế giới và mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các nhà băng muốn giảm phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Trong năm 2021, BIDV cũng hoàn thành xây dựng và triển khai Chiến lược kinh doanh tổng thể; tập trung xây dựng các Chiến lược cấu phần làm nền tảng, định hướng cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025; ban hành Nghị quyết chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành xây dựng 4 chiến lược cấu phần gồm: Chuyển đổi số, Phát triển hoạt động Ngân hàng Bán lẻ, Phát triển hoạt động Khối Ngân hàng Bán buôn, Phát triển nguồn nhân lực.
Tại BIDV, hoạt động ngân hàng bán lẻ tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định vị trí đứng đầu thị trường về quy mô. Trong tổng dư nợ tín dụng 2020, riêng dư nợ tín dụng bán lẻ chiếm 35,7% tổng dư nợ tín dụng, tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng bán lẻ... BIDV có gần 12 triệu khách hàng cá nhân, chiếm 11,9% dân số cả nước. Trung bình mỗi năm tăng mới gần 1,3 triệu khách hàng. Trong đó, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đạt gần 6,5 triệu. Lợi nhuận mảng bán lẻ 6.200 tỷ đồng, chiếm 65% lợi nhuận trước thuế của BIDV.
Chuyển đổi số thúc đẩy ngân hàng bán lẻ
Trong bối cảnh các nhà ngân hàng đang trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển công nghệ, nhằm tạo thuận tiện hơn cho khách hàng. BIDV cũng liên tục đa dạng hóa sản phẩm tiếp cận tối đa các khách hàng mục tiêu.
BIDV là một trong bốn NHTM, thường được gọi là Bộ Tứ (Big 4). Với định hướng “Thay đổi để dẫn đầu”, BIDV nhiều lần vinh dự nhận các giải thưởng “Ngân hàng Bán lẻ Tiêu biểu”, “Ngân hàng Chuyển đổi số xuất sắc” do các tổ chức trong và ngoài nước trao. Những bước đi này đều nhắm đến mục tiêu đưa ngân hàng bán lẻ trở thành hạt nhân chính cho sự phát triển của các ngân hàng.
Với tầm nhìn đến năm 2030 trở thành ngân hàng số có nền tảng tốt nhất Việt Nam, BIDV đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã có được những kết quả đáng khích lệ trên hành trình chuyển đổi số.
Tính đến quý III/2021, các kênh số và tự phục vụ đã chiếm tới 91% tổng giao dịch toàn ngân hàng, đưa tỷ trọng các giao dịch xử lý tại quầy giảm xuống còn 9% (năm 2020 tỷ lệ này là 13%). Số lượng người dùng cá nhân qua kênh mobile (Smartbanking) tăng trưởng 38,69% so với năm 2020, đạt 6,1 triệu khách hàng; số lượng khách hàng DN sử dụng kênh số (iBank) tăng 30,53% so với năm 2020, đạt 71.500 khách hàng.
Với trên 2.400 loại hình dịch vụ thanh toán của 1.200 nhà cung cấp dịch vụ kết nối với BIDV đã tạo ra một hệ sinh thái đa dạng đáp ứng gần như toàn bộ các nhu cầu đời sống hàng ngày của khách hàng, đáp ứng cả nhu cầu tài chính và phi tài chính cho khách hàng.
Nhờ những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số, nhiều năm liền nhận giải thưởng “Ngân hàng điện tử tiêu biểu”. Mới đây, BIDV đã được trao 6 danh hiệu Sao Khuê cho 6 sản phẩm công nghệ xuất sắc, đưa lượng danh hiệu Sao Khuê mà BIDV nhận được từ năm 2011 đến nay lên con số 18... Các giải thưởng này đã khẳng định thương hiệu của BIDV - một ngân hàng thương mại có chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) hàng đầu tại Việt Nam...
Là NHTM tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số, BIDV đưa ra tầm nhìn đến 2030 sẽ “Là định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, phấn đấu thuộc nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á”. BIDV đã tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các mặt hoạt động: Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, Youtube…; phối hợp triển khai một số sản phẩm sáng tạo như: Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại; phát triển ứng dụng BIDV Home; ứng dụng Blockchain, công nghệ mới về Robotics và trí tuệ nhân tạo; triển khai và xây dựng các mô hình khai thác dữ liệu lớn, dữ liệu phi cấu trúc, ứng dụng các mô hình phân tích để đánh giá giá trị vòng đời khách hàng, marketing, bán chéo sản phẩm đúng đối tượng khách hàng…
Đồng hành cùng doanh nghiệp thích ứng 4.0
Đối với khách hàng DN, BIDV đã triển khai nhiều sản phẩm và tiện ích đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao về số hóa của DN như: Quản lý dòng tiền; tài khoản định danh (virtual account); kết nối với các nền tảng ERP trên nền tảng Openbank cho phép các DN có thể thực hiện được các dịch vụ ngân hàng ngay trên các nền tảng quản trị DN của mình; triển khai chương trình tư vấn tự động sản phẩm kinh doanh vốn và tiền tệ, tài trợ thương mại, mua bán ngoại hối và chuyển tiền quốc tế…
BIDV cho hay, số lượng khách hàng DN nhỏ và vừa của ngân hàng lên tới gần 325.000 DN, chiếm gần 40% tổng số DN nhỏ và vừa của cả nước. Tổng dư nợ khách hàng DN nhỏ và vừa của BIDV đạt hơn 285.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ 2020. Vì thế, mặc dù phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, khách hàng DN nhỏ và vừa của BIDV vẫn tăng trưởng nhanh và liên tục.
Từ đầu năm 2021, BIDV ban hành nhiều gói tín dụng ưu đãi cho DN nhỏ và vừa với tổng quy mô lên đến 200.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng còn giảm lãi suất cho vay lên đến 2%/năm để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Trước đó, BIDV cũng nhiều lần miễn, giảm phí chuyển tiền; ra mắt các gói dịch vụ Bfree miễn đến 10 loại phí; giảm lãi suất, gia hạn trả nợ vay và nhiều giải pháp khác để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng kinh phí BIDV hỗ trợ khách hàng lên tới 7.900 tỷ đồng.
Chuyển đổi số đã và đang tạo ra những thay đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của BIDV, là cơ sở quan trọng để BIDV phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
BIDV được 2 tạp chí quốc tế uy tín thế giới là Asian Banking and Finance và Alpha Southeast Asia trao giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam. Đây là năm thứ 4 liên tiếp BIDV được 2 tạp chí quốc tế uy tín thế giới là Asian Banking and Finance và Alpha Southeast Asia trao giải thưởng Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam. Sự kiện này cho thấy năng lực và vị thế vượt trội của BIDV trên thị trường nội địa trong việc cung cấp dịch vụ và giải pháp tài chính cho khối khách hàng DN nhỏ và vừa.