Chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan, khi phát hiện bệnh thì cần chủ động đưa con đi khám.
Hà Nội đã có 968 trường hợp mắc tay chân miệng
Thời gian qua, Hà Nội ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh. Trẻ em mắc tay chân miệng nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể diễn biến nặng, để lại biến chứng nguy hiểm.
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng tăng so với tuần trước. Dự báo, số ca mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang vào cao điểm mùa dịch.
Cụ thể, trong tuần qua (tính từ ngày 27/6 đến 1/7), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận có thêm 139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (tăng gần 29% so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, TP đã có 968 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng trong thời gian tới, theo CDC Hà Nội, ngành Y tế TP tiếp tục tăng cường giám sát, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác. Cùng với đó, giám sát, đánh giá định kỳ các chỉ số côn trùng, giám sát vệ sinh môi trường tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp, từ đó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.
Các đơn vị trong ngành cần tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng để nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả.
Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra, do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh tay chân miệng có thể kéo dài 3 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình như loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, trẻ sốt cao và nôn nhiều có nguy cơ biến chứng.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.
Đa phần trẻ nhỏ mắc tay chân miệng đều ở thể nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ tuyệt đối không được chủ quan, khi phát hiện bệnh thì cần chủ động đưa con đi khám.
Sai lầm trong việc chăm sóc trẻ
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được khám, điều trị và theo dõi sát để có thể kịp thời phát hiện các biểu hiện bệnh nặng. Bệnh có thể biểu hiện thể nhẹ dưới dạng tổn thương da, niêm mạc, sốt nhẹ, mệt mỏi hoặc ở những thể nặng như tổn thương thần kinh với những biểu hiện như li bì, giật mình, yếu liệt chi. Thậm chí rất nặng như tổn thương cơ quan hô hấp và tuần hoàn với biểu hiện khó thở, phù phổi cấp. Nguy hiểm hơn, nếu chăm sóc điều trị tại nhà không đúng cách hoặc trường hợp trẻ sốt cao kéo dài và nôn nhiều thì sẽ có nguy cơ biến chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Chuyên gia cho rằng, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng cách. Bệnh tay chân miệng thể nặng cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Bên cạnh đó, một sai lầm trong việc chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng là ép trẻ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, đồ bổ dưỡng. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc cho con ăn nhiều lúc sốt sẽ giúp trẻ có sức đề kháng để mau khỏi bệnh.
Tuy nhiên, việc bị ép ăn quá nhiều khiến trẻ sợ hãi dẫn đến biểu hiện biếng ăn, nôn trớ. Vì vậy, khi trẻ từ chối ăn, cha mẹ không nên cưỡng ép, thay vào đó có thể cho con uống sữa hoặc chia nhỏ bữa ăn để bù lại. Các bậc phụ huynh cũng chú ý cho con ăn thức ăn mềm lỏng như cháo hoặc súp để dễ hấp thu cũng như tiêu hóa tốt hơn, thêm nhiều hoa quả để tăng cường vitamin. Với trẻ đang bú mẹ thì cần cho trẻ bú thành nhiều lần trong ngày.
Nhiều người lại cho rằng kiêng nước, kiêng gió, kiêng ra ngoài sẽ giúp trẻ mắc tay chân miệng nhanh khỏi... nên khi trẻ mắc bệnh cha mẹ thường cho trẻ mặc quần áo ấm và giữ kín ở trong nhà. Tuy nhiên, việc làm này không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, càng giữ kín thì vi khuẩn càng có cơ hội phát triển mạnh hơn. Phụ huynh không để con ra ngoài lúc trời gió quá mạnh hoặc để gió tạt trực tiếp vào con. Trẻ mắc tay chân miệng cần được vệ sinh sạch sẽ và giữ các vết lở loét ở trạng thái thoáng khí. Nên để con chơi trong phòng sạch sẽ, thoáng mát.
Sau khoảng 7 - 10 ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng, các nốt mụn nước sẽ vỡ ra và dần khô lại. Khi đó, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho trẻ bằng nước ấm để làm sạch các loại vi khuẩn có hại trên da và hỗ trợ tăng cường sức đề kháng. Khi tắm cho con, bố mẹ không được chà xát mạnh lên da trẻ mà chỉ cần lau rửa sạch sẽ cơ thể của con bằng các loại xà phòng sát khuẩn do bác sĩ chuyên khoa Nhi tư vấn.
Đề cập đến vấn đề bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mắc tay chân miệng, TS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ bị tổn thương niêm mạc miệng sẽ gây đau khi ăn dẫn đến ăn kém, bỏ ăn, có nguy cơ hạ đường máu. Trẻ bị nổi các mụn nước trong khoang miệng và trên lưỡi, chúng thường dập vỡ rất nhanh, tạo ra các vết loét gây đau rát nên trẻ khó ăn uống. Vì vậy, cần cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như súp, cháo loãng, sữa... Các món cháo, súp chứa nhiều nước giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, bù lượng nước thiếu hụt bị mất do trẻ sốt. Cháo, súp cũng rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu, giúp dạ dày không phải làm việc nhiều, hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh tiêu hóa.
Theo TS Đỗ Thiện Hải, để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại cháo, súp như cháo thịt, cháo trứng, cháo sườn, cháo tôm, súp gà, súp tôm... hoặc thay thế bằng cách uống sữa, ăn bún, miến, phở kết hợp với các loại rau củ như cà rốt, bí đỏ, khoai tây, nước rau củ... để cung cấp protein, calo, vitamin, khoáng chất. Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết giúp cải thiện triệu chứng bệnh và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi khi trẻ bị ốm. Nên cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ ăn và hấp thu tốt hơn. Các bữa nên cách nhau khoảng 3 giờ.
“Để giúp dịu họng, giảm đau do vết loét, ngoài việc cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm 3 - 4 lần mỗi ngày thì cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước. Ngoài uống nước lọc, nên uống thêm nước trái cây, nước dừa tươi, sữa... Trong chế độ ăn của trẻ bị tay chân miệng, nên ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm vì chất kẽm vừa có tác dụng tăng cường sức đề kháng vừa làm các vết thương, vết loét chóng lành hơn, giúp trẻ nhanh hồi phục” - TS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.