Biến chủng Omicron khiến nhiều quốc gia trên thế giới siết chặt các biện áp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như hạn chế đi lại, cấm tập trung đông người. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ca nhiễm Omicron đầu tiên đến từ nước Anh
Ngày 28/12, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức), Bộ Y tế xác nhận về ca nhiễm Covid-19 với biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Đó là trường hợp một hành khách từ Anh nhập cảnh vào nước ta qua đường hàng không.
Cụ thể, ngày 19/12/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối ngày 19/12/2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly trong phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Sau đó, khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện 108 đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với hành khách này bằng phương pháp RT-PCR và tiếp tục cho kết quả dương tính.
Bệnh viện 108 đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này. Kết quả cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529). Đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, là người nhập cảnh đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh.
Việc ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên xuất hiện tại nước ta vào đúng thời điểm ngành hàng không đang chuẩn bị cho thời điểm chính thức nối lại đường bay quốc tế sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi chính dịch bệnh Covid-19. Điều này dấy lên lo ngại về việc sự có mặt của biến chủng Omicron sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch “mở cửa bầu trời” cũng như kỳ vọng phục hồi của ngành hàng không trong thời gian tới.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron không ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi của ngành hàng không. (Ảnh: Tiến Đạt). |
Hàng không vẫn đảm bảo được triển vọng phục hồi
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho rằng, sự xuất hiện và lây lan một cách chóng mặt của biến thể Omicron tại nhiều nước châu Âu đã và đang khiến nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chiến lược trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng siết chặt biện pháp đảm bảo an toàn để tránh dịch lây lan.
“Như tại Australia, 2 bang đông dân nhất là New South Wales và Victoria đã áp dụng trở lại các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch Covid-19 như tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, giới hạn số khách tới dự các sự kiện. Nhiều quốc gia khác cũng có hành động tương tự trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống phân tích, sự nguy hiểm của biến chủng Omicron là không phải bàn cãi và việc nhiều quốc gia siết chặt những biện pháp phòng, chống dịch là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người dân thế giới sẽ không tiếp tục đi du lịch. Do đó, biến chủng Omicron về cơ bản sẽ không ảnh hưởng tới triển vọng phục hồi của ngành hàng không nước ta khi các đường bay quốc tế được nối lại trong thời gian tới.
“Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã thay đổi chiến lược phòng, chống Covid-19 bằng việc chung sống an toàn với dịch bệnh, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ giúp hàng không và du lịch có cơ hội phục hồi và khi đường bay quốc tế được nối lại, triển vọng phục hồi của hai lĩnh vực này sẽ còn lớn hơn” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Về sự xuất hiện của ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Việt Nam vừa được phát hiện, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cho rằng, ca nhiễm này sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch “mở cửa bầu trời” của ngành hàng không. Tuy nhiên, qua trường hợp này cho thấy cần có sự thay đổi chiến lược phòng, chống dịch bệnh qua đường hàng không để phù hợp với tình hình mới.
“Ca nhiễm được phát hiện sớm nhờ việc hành khách được test Covid-19 ngay khi vừa bước xuống máy bay. Sau đó hành khách đã được đưa đi cách ly ngay trước khi xác định nhiễm biến chủng Omicron. Điều này cho thấy, việc test Covid-19 đối với hành khách nước ngoài nhập cảnh vào nước ta bằng đường hàng không là rất cần thiết” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Theo chuyên gia hàng không này, việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ trong thời gian tới sẽ được thực hiện thông qua “hộ chiếu vaccine”, đây là kế hoạch chúng ta đã xây dựng từ rất lâu và đến bây giờ mới có thể được áp dụng. Tuy nhiên, với diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron, “hộ chiếu vaccine” cần đi đôi với việc test Covid-19. Đây là cách làm không quá tốn kém nhưng lại mang đến hiệu quả cao trong công tác phòng dịch, nhất là ngăn chặn biến chủng Omicron từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
“Khi hành khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ngoài việc tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19 thì cũng cần được test Covid-19 ngay khi vừa bước xuống máy bay. Cách làm này sẽ sàng lọc được những trường hợp nguy cơ mắc bệnh. Còn các chuyến bay nội địa, có thể không cần test Covid-19 như vậy vào thời điểm này” - chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.
“Hiện nay, biến chủng Omicron đang là mối đe dọa toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh qua đường hàng không, trong đó có yêu cầu test Covid-19 ngay khi bước xuống máy bay đối với hành khách nhập cảnh từ nước ngoài thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được nguy cơ biến chủng này xâm nhập vào nước ta trong khi vẫn đảm bảo được kế hoạch “mở cửa bầu trời”, tạo tiền để cho hàng không và du lịch phục hồi”. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không |