Biến chuyển hợp lý?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây không lâu, các chính trị gia hàng đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tự tin tuyên bố đồng Euro đã qua cơn “nguy kịch” và khối đã vượt qua “cơn bão” mang tên nợ công.

Cách đây không lâu, các chính trị gia hàng đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tự tin tuyên bố đồng Euro đã qua cơn “nguy kịch” và khối đã vượt qua “cơn bão” mang tên nợ công. Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua tại Hy Lạp và các cuộc biểu tình chống khắc khổ diễn ra cuối tuần qua cho thấy, tuyên bố này là một sai lầm bởi cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra với đầy đủ những biểu hiện của nó.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis công du châu Âu tìm hậu thuẫn để giảm nợ.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis công du châu Âu tìm hậu thuẫn để giảm nợ.
Niềm tin “sức khỏe” Hy Lạp đang phục hồi vẫn chỉ là ảo tưởng bởi liều thuốc kháng sinh mang tên “thắt lưng buộc bụng” mà Đức và các chủ nợ quốc tế đã kê cho Athens về cơ bản đã không phát huy hiệu quả. Điều tệ hại hơn, quốc gia đang sử dụng khoản cứu trợ lên tới hơn 200 tỷ Euro đang tìm cách “tháo chạy” khỏi cuộc chơi và để lại rất nhiều nghi ngại cho các chủ nợ, các nhà đầu tư quốc tế. Người vừa đảm nhiệm vị trí chéo lái con thuyền Hy Lạp Alexis Tspras – vị Thủ tướng cánh tả trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này cho thấy, Athens giờ đây không còn là một đối tác ngoan ngoãn đồng ý với mọi điều khoản mà các chủ nợ quốc tế đưa ra để đổi lấy khoản cứu trợ. Thậm chí, trong lúc EU liên tiếp đẩy mối quan hệ đầy sóng gió với Nga lên tầm mức căng thẳng mới nhằm gây sức ép trong vấn đề Ukraine, chính quyền mới của Hy Lạp đã tìm đến Moscow như một lá bài cuối cùng và duy nhất. Phát biểu với giới chức CH Síp trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tuần trước, ông Tspras cho biết, Athens sẵn sàng làm cầu nối để EU hàn gắn quan hệ với Nga. Phát biểu này càng có sức nặng hơn bao giờ hết khi người dân Hungary và Ba Lan đã xuống đường để yêu cầu Chính phủ bồi thường các thiệt hại do các biện pháp cấm vận Nga gây nên. Thủ tướng Hy Lạp thậm chí còn tuyên bố thẳng, nếu EU để mất Hy Lạp hoặc CH Síp, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng do “sườn” phía Nam của châu Âu để ngỏ và chẳng có lý do gì không tin rằng, Moscow sẽ lập tức tận dụng cơ hội hiếm có này.

Trong khi đó, tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cũng bận rộn với chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới hầu hết các quốc gia chủ chốt của châu Âu là Anh, Pháp, Italia và có thể là Đức để tìm tiếng nói chung với phần còn lại của Eurozone về các đều khoản của gói cứu trợ. Tại cuộc gặp với người đồng cấp Anh quốc George Osborne ở phố Downing, ông Varoufakis đã thể hiện sự tự tin của một chuyên gia từng học tập và giảng dạy về kinh tế tại Anh, sự kiên quyết bảo vệ con đường mà Athens đã chọn của một chính trị gia từng tôi luyện ở Mỹ, Australia.

Vì thế, dù diễn ra trên đất Anh, dù Bộ trưởng chủ nhà Osborne cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ lâm nguy nếu vấn đề nợ nần của Athens không được giải quyết, người làm chủ cuộc hội đàm vẫn là đại diện của chính quyền Hy Lạp. Thậm chí ngay trên phố Downing, các thành viên của Left Unity – một đảng cánh tả mới được thành lập tại Anh năm 2013 còn mang theo biểu ngữ ủng hộ chính sách mà Chính phủ mới của Hy Lạp theo đuổi. Đảng này còn cho rằng sau nhiều năm mệt mỏi với chính sách thắt lưng buộc bụng mà ông Osborne áp đặt, đã đến lúc gánh nặng này của người Anh phải được tháo bỏ.

Tại London, mọi sự chú ý của giới truyền thông còn tập trung vào cuộc gặp của ông Varoufakis với đại diện của 100 ngân hàng, tổ chức tài chính đã mua trái phiếu Chính phủ Hy Lạp. Đơn giản với lời hứa sẽ không gây thiệt hại cho các chủ nợ, cuộc gặp đã kết thúc một cách êm đẹp mà không gặp bất kỳ một trở ngại lớn nào. Thực ra, các chủ nợ quốc tế trong bối cảnh hiện tại hiểu rằng, không nên dại dột mà “chọc giận” Athens. Bởi rất có thể, chỉ sau một đêm, lượng trái phiếu trị giá hàng triệu Euro mà họ nắm giữ sẽ trở thành mớ giấy vụn. Diễn biến trong một tuần qua cho thấy, thị trường chứng khoán Hy Lạp không phải là một cuộc chơi dành cho các nhà đầu tư yếu tim. Theo thống kê, cổ phiếu ngân hàng nước này đã tăng 21% trong 3 phiên giao dịch cuối tuần trước sau khi sụt giảm 44% trong 3 phiên giao dịch đầu tuần. Biên độ biến động của thị trường chứng khoán Hy Lạp là một lời cảnh báo giới chức châu Âu trước những hậu quả nghiêm trọng mà khu vực phải gánh chịu nếu nền kinh tế Athens sụp đổ. Vì các lý do này mà chính trường EU vài ngày qua đã biến chuyển từ phía phản đối gay gắt chính quyền Hy Lạp sang hướng cam kết hỗ trợ, giúp đỡ nước này vượt qua tình cảnh khó khăn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần