Biên độ giá dự án nhà ở xã hội: Giá bán cao hơn nhu cầu

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số biên độ giá các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) có xu hướng tăng đều theo từng năm, khiến cho người có thu nhập thấp ngày càng khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia BĐS Vũ Quang Vinh.

 Chuyên gia BĐS Vũ Quang Vinh
Theo các số liệu báo cáo, mức giá bán NƠXH luôn có sự gia tăng, ông có nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Thời gian gần đây, các sản phẩm BĐS nói chung và phân khúc nhà ở giá thấp, gồm: NƠTM giá thấp và NƠXH luôn có sự tăng trưởng về giá bán và ngày càng “lệch pha” về cơ cấu sản phẩm. Trong đó, phân khúc trung – cao cấp phục vụ khoảng 20 – 30% nhu cầu của thị trường có tổng nguồn cung chiếm tới 92%; nhà ở bình dân và NƠXH chiếm 80% nhu cầu thì chỉ có khoảng 2% trong tổng số nguồn cung. Chính vì chênh lệch nguồn cung như vậy đã dẫn tới việc giá bán sản phẩm NƠXH, nhà ở giá thấp liên tục có sự gia tăng.
Đâu là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng về giá như vậy, thưa ông?
- NƠXH là sản phẩm đặc thù riêng, nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước từ chính sách đất đai, thuế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, dự án NƠXH phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào việc vận hành chính sách. Sau khi Nhà nước thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2014 – 2016 hỗ trợ phát triển NƠXH, từ đó đến nay chưa có nguồn vốn nào tương xứng như vậy được bố trí cho phân khúc này, nguồn cung thiếu và mục tiêu quốc gia về nhà ở đến năm 2020 cũng mới chỉ đạt khoảng 45%.
Bên cạnh đó, do những biến động về giá cả thị trường như vật liệu xây dựng, nhân công... một số dự án NƠXH trong quá trình triển khai bị thiếu vốn, đã phải đi vay và chịu lãi suất của ngân hàng thương mại, thủ tục hành chính cấp phép dự án kéo dài. Những yếu tố này đã buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán để bù lấp chi phí, bảo đảm lợi nhuận.
Theo ông, để khắc phục tình trạng này cần giải pháp gì?
- Nhà nước cần phải ưu tiên sử dụng vốn ngân sách thường xuyên theo từng giai đoạn; tăng cường nguồn vốn cấp cho các ngân hàng thương mại để huy động nguồn vốn xã hội trong quá trình phát triển NƠXH. Đi kèm với đó là các thủ tục hành chính về lựa chọn chủ đầu tư, cấp phép xây dựng... cần được đơn giản hóa, rút ngắn quy trình thực hiện, để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia chương trình NƠXH. Khi nguồn cung lớn, giá bán sẽ cạnh tranh.
Chính sách về vay vốn cho người mua nhà cũng hết sức quan trọng, hiện nay mức lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại là khác nhau, cơ chế thực hiện cũng khác nhau. Vì vậy, cần thống nhất cùng một loại lãi suất và cùng thực hiện cơ chế gửi tiết kiệm NƠXH ở cả hai hệ thống ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần