Hành trình khởi nghiệp đầy cảm hứng
Trong môi trường kinh doanh đầy khắc nghiệp, vị doanh nhân kỳ cựu Kao Siêu Lực cũng phải thay đổi tư duy kinh doanh để không bị nhấn chìm, tuy nhiên, có một thứ ở ông không bao giờ thay đổi, đó chính là triết lý kinh doanh mà ông dày công nuôi dưỡng từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Năm 1982, ông Lực khởi nghiệp lần thứ nhất với một lò bánh nhỏ tên Đức Phát trong hoàn cảnh thiếu thốn máy móc và xoay xở với đồng vốn ít ỏi.
Năm 2008, ông khởi nghiệp lần thứ hai với thương hiệu ABC Bakery, hiện đã có 40 cửa hàng trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Đến năm 2023, dù tuổi đã cao, ông Lực lại tiếp tục khởi nghiệp với thương hiệu nhà hàng Go Gelato, kéo dài hành trình 41 năm khởi nghiệp của mình.
Đến nay dù đã ở độ tuổi 70, ông Lực vẫn hằng ngày tới xưởng bánh, quan sát công nhân làm việc và hướng dẫn về nghề: “Bản thân tôi luôn kiên định với triết lý sống ôn hòa trong một thị trường đầy cạnh tranh. Thay vì chiến đấu trên thương trường, tôi chọn cách bắt tay cùng đối thủ là những thương hiệu quốc tế lâu đời để chia sẻ giúp thị trường Việt Nam ngày càng phát triển" - ông Lực nói.
Theo nhìn nhận của ông, kinh doanh là một con đường gian khó, luôn có những ngọn núi xuất hiện trước mặt các doanh nhân và để vượt qua những ngọn núi đó, trước hết người doanh nhân phải vượt qua chính mình, tìm cách biến đối thủ thành đối tác.
“Nhờ kiên trì với triết lý kinh doanh này mà hiện ABC đang gia công bánh cho hơn 20 khách hàng, chiếm 70% sản lượng bánh. Trước đây 100% bánh bán ra thị trường mang thương hiệu ABC, nay chúng tôi còn 30%, nhưng doanh số lại tăng rất nhiều nhờ làm gia công cho đối tác” - ông Lực chia sẻ.
Dưới sự dẫn dắt của ông, ABC Bakery "sở hữu" một danh sách khách hàng mà bất kỳ DN nào cũng mơ ước, đó là những chuỗi thức ăn nhanh quốc tế như McDonalds, Carls Jr., Burger King, Dunkin Donuts....; hay các chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf và cả những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K... Tuy vậy, với nhà sáng lập thương hiệu ABC Bakery, dù khách hàng lớn hay nhỏ thì nguyên tắc tiếp cận của DN do ông điều hành là như nhau về chất lượng sản phẩm, giá cả và phong cách phục vụ.
Đưa bánh mì Việt Nam vươn ra thế giới
Được mệnh danh là "vua" bánh mì, ông Lực là số ít doanh nhân có môi trường làm việc khá đặc biệt, suốt ngày mày mò ở phòng nghiên cứu hoặc lăn lộn ở xưởng sản xuất để dạy nghề cho công nhân: “Tôi truyền nghề mà không nhận tiền thù lao, thậm chí khi thị trường biến động nhưng tôi cố gắng để không tăng giá sản phẩm, bởi tôi luôn biết ơn sự tin tưởng mà người tiêu dùng đã dành cho DN của mình” - ông Lực bày tỏ.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, ABC Bakery còn chú trọng áp dụng công nghệ 4.0 để hạn chế con người tiếp xúc trực tiếp nhiều quá với sản phẩm. Ông Lực nhận định, nếu vẫn duy trì thủ công, không đổi mới sáng tạo thì chỉ cần vài năm nữa, thương hiệu ABC có thể bị người khác “lướt qua, trở nên vô hình”.
Chiến lược marketing của ABC Bakery đã xác định phương châm hoạt động “nướng bánh từ chính trái tim của mình”, từ năm 2017, ABC đã bàn đến việc xuất khẩu, đầu tiên là kế hoạch xây dựng, mở rộng xưởng và từ đó đã có nhân duyên gặp được đối tác Nhật Bản.
Ông Lực nhớ lại, cuối năm 2017 khách hàng Nhật qua đề nghị làm bánh theo công thức của họ, ông đồng ý nhưng vẫn nêu quan điểm tự đưa ra công thức riêng để so sánh. Sau khi ăn đối chiếu hai công thức bánh, thật bất ngờ, khách hàng Nhật lại chọn công thức của ông. Và chỉ sau 3 tháng chuẩn bị (xây xưởng, hoàn chỉnh dây chuyền, làm hàng mẫu), lô bánh đầu tiên được xuất sang Nhật tháng 1/2018. Đến nay, thị trường Nhật Bản đang mang đến đơn hàng 7 - 8 container bánh mỗi tháng cho ABC.
Hiện nay ngoài Nhật Bản, sản phẩm của ABC còn chinh phục thị trường Campuchia, Úc, Anh…
Khi đã quá thành công trong việc xây dựng hình ảnh đẳng cấp trong ngành bánh kẹo và phát triển vươn xa vượt biên giới Việt Nam, ABC vẫn chưa và không bao giờ xem thường thị trường trong nước, thay vào đó luôn duy trì sự tập trung cho thị trường nội địa, phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam.