Biển Đông - mối quan tâm ngày càng sâu sắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, Hạ viện Mỹ hôm 4/12 đã thông qua Nghị quyết mang mã số...

Kinhtedothi - Với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, Hạ viện Mỹ hôm 4/12 đã thông qua Nghị quyết mang mã số H.Res - 714 nhấn mạnh sự cần thiết tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

 
Biển Đông - mối quan tâm ngày càng sâu sắc - Ảnh 1
Động thái này cho thấy, mối quan tâm ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp Mỹ đối với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp trong khu vực, trong đó có Biển Đông. Nhân dịp này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bill Hayton - tác giả cuốn sách "Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á" vừa được NXB Đại học Yale (Mỹ) xuất bản tháng 10/2014.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không mới nhưng tại sao thời gian gần đây, vấn đề này lại trở nên căng thẳng với sự tham gia của nhiều quốc gia, thưa ông?

- Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự leo thang căng thẳng tại Biển Đông. Trước hết, với sự ra đời của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Biển Đông đã trở thành vấn đề trọng tâm trong nền chính trị toàn cầu và thu hút sự quan tâm ngày càng sâu sắc của cộng đồng quốc tế.
Bill Hayton từng là phóng viên thường trú của BBC tại Việt Nam giai đoạn 2006 - 2007. Ngoài các bài viết, phỏng vấn về Đông Nam Á và Việt Nam, năm 2010, ông đã xuất bản cuốn sách "Việt Nam, con rồng đang nổi" (Vietnam: Rising Dragon) và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các học giả toàn cầu.
Thứ hai, sự phát triển về kinh tế giúp Trung Quốc mạnh hơn và những hành động đầy tham vọng của nước này khiến các tranh chấp trên Biển Đông, biển Hoa Đông trở nên căng thẳng. Điển hình như sự kiện, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức công bố yêu sách "đường chữ U chín đoạn" (còn gọi là "đường lưỡi bò") trong một công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc vào tháng 5/2009, vụ va chạm với tàu thăm dò Impeccable của Mỹ tháng 3/2009, lệnh cấm đánh bắt cá dài ngày tại các ngư trường truyền thống của các nước ASEAN, cắt cáp của các tàu khảo sát dầu… Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa; mở rộng các vị trí đang chiếm đóng tại Trường Sa; ngăn cản Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây... Và gần đây nhất là hành động bồi đắp, cải tạo nhằm xây đảo nhân tạo bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hành động này của Trung Quốc đã cảnh báo các phần còn lại của khu vực Đông Nam Á.
Nghị quyết của Hạ viện Mỹ lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Nghị quyết của Hạ viện Mỹ lên án các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Thứ ba, nằm trong khu vực có sự cọ xát mạnh mẽ về lợi ích chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, Biển Đông vốn là một vấn đề của khu vực đã nhanh chóng trở thành vấn đề toàn cầu. Như tôi đã viết một cách rất rõ ràng, Biển Đông đã trở thành "vị trí đầu tiên trong tham vọng của Trung Quốc đưa tới việc đối mặt với quyết tâm chiến lược của Mỹ".

Theo ông, các quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông và cộng đồng quốc tế cần thực hiện những biện pháp, chính sách phòng ngừa nào để giảm khả năng xung đột trong khu vực?

- Theo tôi, cách duy nhất để tránh leo thang căng thẳng và nguy cơ xảy ra xung đột là các quốc gia có liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông phải đưa ra được các bằng chứng lịch sử, có tính thuyết phục nhằm khẳng định chủ quyền của mình. Ví dụ, Malaysia có thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với bãi Tăng Mẫu (James Shoal) là vô nghĩa vì nó được dựa trên một lỗi dịch thuật năm 1935. Thậm chí, yêu sách này vô lý đến mức bãi Tăng Mẫu/James Shoal mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền thực ra nằm sâu 70 feet dưới đáy biển. Với Việt Nam, bằng chứng của Trung Quốc cũng không thể đứng vững được trước những cứ liệu lịch sử đã có từ những năm 1750.

Nhiều chuyên gia lo ngại, Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng sức mạnh kinh tế nhằm làm sao nhãng sự chú ý về tranh chấp trên Biển Đông của các nước trong khu vực. Theo ông, các quốc gia ASEAN cần phải làm gì để thúc đẩy tiến trình thông qua quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông?

- Đòn bẩy kinh tế được Trung Quốc thực hiện theo hai cách. Thứ nhất, Trung Quốc đã và đang đưa ra nhiều ưu đãi về kinh tế cho các nước trong khu vực ASEAN, thậm chí Bắc Kinh còn công bố về kế hoạch thành lập Quỹ hợp tác hàng hải trị giá nửa tỷ USD nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, hệ sinh thái và tìm kiếm cứu hộ trong khu vực. Nhưng việc kế hoạch này vẫn nằm trên giấy kể từ năm 2012 đến nay đã khiến nhiều quốc gia ASEAN hoài nghi về thiện chí của Trung Quốc. Thứ hai, Bắc Kinh đã đề ra chương trình và thực hiện các cuộc vận động hành lang song phương, đa phương ở cấp khu vực và quốc tế về "Con đường tơ lụa trên biển". Nhưng tôi cho rằng, các quốc gia trong khu vực đã nhanh chóng nhận ra, sáng kiến này không nằm ngoài chiến thuật 3 hướng của Bắc Kinh là phát triển hóa "đường lưỡi bò" trên các diễn đàn quốc tế; triển khai các hoạt động thăm dò để áp đặt quyền sở hữu; thử thách quan điểm của cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều quan ngại về việc Trung Quốc sẽ thông qua COC vì nó tạo ra những hạn chế khiến Bắc Kinh không thể thực thi tham vọng của mình. Vì vậy, ASEAN có 3 lựa chọn: tiếp tục đàm phán với hy vọng sẽ có bước đột phá; từ bỏ các cuộc đàm phán; hoặc đưa ra một cơ chế xử lý tranh chấp mới. Nhưng tôi tin là ASEAN sẽ không từ bỏ hy vọng về bước đột phá trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về COC. Vì vậy, ASEAN cần chủ động hơn trong vai trò là trung gian đối thoại và có các động thái nhằm xoa dịu căng thẳng, giải tỏa bất đồng của các quốc gia thành viên với Trung Quốc trong tranh chấp trên biển.

Xin cảm ơn ông!
Ngày 5/12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết H.Res - 714, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Việt Nam hoan nghênh việc Hạ viện Mỹ lần đầu tiên thông qua một nghị quyết ủng hộ những nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực đóng góp tích cực, hiệu quả, xây dựng nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần