Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3):

Biện pháp điều trị dự phòng lao tiềm ẩn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự phòng và điều trị lao tiềm ẩn là biện pháp phòng ngừa sớm cho những người khỏe mạnh có mang vi khuẩn lao trong cơ thể.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, người mắc lao tiềm ẩn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có biện pháp điều trị phòng ngừa hiệu quả nhằm phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lao.

Tiêm vaccine lao vẫn có khả năng nhiễm lao tiềm ẩn

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó 13% số ca tử vong do mắc lao kháng đa thuốc (MDR-TB). Người tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu mắc phải MDR-TB, người bệnh phải dùng nhiều loại thuốc hơn, thời gian điều trị kéo dài hơn và khả năng khỏi bệnh thấp hơn so với lao thông thường.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: BVCC
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: BVCC

Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới (báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO 2020). Mỗi năm, Việt Nam có 172.000 ca mắc mới, khoảng 11.400 ca tử vong. Trong đó, 63% số bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình người bệnh phải gánh chi phí lớn dành cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao, vượt quá 20% thu nhập của cả hộ gia đình.

Thông tin về bệnh lao tiềm ẩn, TS Hoàng Văn Huấn - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội cho hay, bệnh lao tiềm ẩn là những người khỏe mạnh mang vi khuẩn lao ở trạng thái bất hoạt. Những người mắc lao tiềm ẩn không có xuất hiện triệu chứng của bệnh, không cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch suy yếu, những vi khuẩn lao sẽ sinh sôi và dẫn tới bệnh lao hoạt động.

Người mắc lao tiềm ẩn là những người đã có thời gian tiếp xúc với những người bệnh lao phổi. Vi khuẩn lao lan ra không khí khi người bệnh lao phổi nói chuyện, hắt hơi và ho... Những người khỏe mạnh sẽ hít phải vi thể chứa vi khuẩn khi tiếp xúc cùng người bệnh. Tuy nhiên, hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ làm cho vi khuẩn bất hoạt và không thể gây bệnh.

Ngoài ra, những người đến từ những vùng có nhiều người bị nhiễm lao như châu Á, Đông Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi sẽ có nguy cơ cao hơn. Đối với những người đã tiêm vaccine phòng ngừa lao vẫn có khả năng nhiễm lao tiềm ẩn. Vì vaccine chủng ngừa lao BCG là vaccine bảo vệ trẻ nhỏ phòng tránh phơi nhiễm lao, hay những dạng bệnh lao nghiêm trọng và có tác dụng khoảng một năm.

“Người mắc lao tiềm ẩn không thể lây sang người khác. Vì vi khuẩn trong cơ thể đã bị bất hoạt, không thể sinh sôi. Lượng vi khuẩn có ít không thể lan truyền ra ngoài không khí. Đây cũng là một trong những điều kiện để xác định người mắc lao tiềm ẩn” - TS Hoàng Văn Huấn nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo, người mắc lao tiềm ẩn có nguy cơ mắc bệnh lao, nếu hệ miễn dịch bị suy giảm. Lao tiềm ẩn có nguy cơ phát triển thành thể bệnh lao hoạt động và lúc này trở thành nguồn lây truyền bệnh.

5 - 10% số bệnh nhân lao tiềm ẩn trong vòng 5 năm đầu tiên sẽ trở thành bệnh lao. Nguy cơ để trở thành bệnh lao phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là tình trạng miễn dịch của từng cá thể người nhiễm. Vì vậy, người mắc lao tiềm ẩn cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có biện pháp điều trị phòng ngừa hiệu quả nhằm phòng tránh nguy cơ tiến triển thành lao hoạt động.

Phương pháp điều trị lao tiềm ẩn

Theo các bác sĩ, điều trị bệnh lao tiềm ẩn nhằm diệt vi khuẩn lao bất hoạt (đang ngủ) trong cơ thể, với mục tiêu để giảm nguy cơ bị bệnh sau này. Việc điều trị bệnh lao tiềm ẩn sẽ làm giảm 90% nguy cơ bệnh lao tiềm ẩn tiến triển thành lao hoạt động. Nghĩa là trong 100 người bị lao tiềm ẩn, nếu không can thiệp có chừng 5 - 10 người sẽ bị lao bộc phát trở lại; nếu 100 người đó uống thuốc, chỉ có không tới 1 người sẽ bị lao hoạt động. Hiệu quả của điều trị bệnh lao tiềm ẩn nếu uống đủ liệu trình sẽ kéo dài trên 10 năm.
Tuy nhiên, khi được điều trị dự phòng thì cơ thể vẫn có khả năng mắc lao.

Trong một số trường hợp, vi khuẩn lao vẫn còn tồn tại trong cơ thể sau khi hoàn thành quá trình điều trị, và số rất ít trường hợp những vi khuẩn lao này có thể gây bệnh sau này. Việc tái nhiễm lao có thể xảy ra, điều trị dự phòng chỉ có tác dụng tại thời gian điều trị, và không thể bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm.

Không phải tất cả những người có nhiễm vi khuẩn lao phải điều trị dự phòng. Chỉ những người nằm trong nhóm có hệ miễn dịch quá yếu không đủ sức giữ cho vi khuẩn ở trạng thái bất hoạt, và có nguy cơ mắc bệnh lao tăng lên thì cần được điều trị dự phòng. Nhóm người cần điều trị dự phòng lao tiềm ẩn được xếp theo thứ tự ưu tiên là trẻ em, người có hệ miễn dịch hoạt động kém, người có sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch, người có mắc một số bệnh như suy thận, tiểu đường... Người có xét nghiệm dương tính với HIV, người nhẹ cân, người bị nhiễm lao trong vòng 2 năm.

Theo thống kê của Chương trình chống lao Hà Nội, số người được điều trị dự phòng bệnh lao (điều trị lao tiềm ẩn) đến năm 2020 là 454 người. Thời gian qua, BV Phổi Hà Nội đã vận động nguồn lực ủng hộ, truyền thông hướng dẫn và tổ chức khám sàng lọc bệnh lao trong người tiếp xúc bệnh nhân kháng thuốc tại BV. Nhóm đối tượng này được khám và làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh lao tại BV Phổi Hà Nội hoàn toàn miễn phí và được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng nghi lao để kịp thời đi khám, phát hiện bệnh. Các bệnh nhân lao được phát hiện qua khám sàng lọc được thu nhận và điều trị ngay theo hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia. Những trường hợp không phát hiện bệnh lao sẽ được hướng dẫn điều trị dự phòng.

Theo TS Hoàng Văn Huấn, điều trị dự phòng lao tiềm ẩn và điều trị lao thông thường có dùng chung một vài loại thuốc. Tuy nhiên, điều trị dự phòng lao tiềm ẩn sẽ ngắn hơn. Thông thường sử dụng hai loại thuốc rifampicin và isoniazid trong vòng 3 tháng. Quá trình điều trị có thể kéo dài 6 tháng nếu chỉ dùng một loại thuốc. Người được điều trị dự phòng sẽ phải làm xét nghiệm máu sau 2 tuần điều trị, và thêm một lần nữa sau 6 tuần. Phương pháp điều trị lao tiềm ẩn bao gồm điều trị theo DOT và điều trị không theo DOT.

Điều trị không theo DOT là phương pháp điều trị bệnh nhân tự bảo quản thuốc thường nhận thuốc đủ dùng trong một tuần mỗi lần. Điều trị theo DOT là liệu pháp quan sát trực tiếp hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, và bảo đảm quá trình điều trị được hoàn tất. DOT còn đảm bảo nhân viên y tế có thể phát hiện hiệu quả và các tác dụng phụ của thuốc đối với bệnh nhân, để có thể xử trí kịp thời.

Tuy nhiên, một số tác dụng phụ của thuốc điều trị dự phòng lao người bệnh có thể gặp như buồn nôn; nước tiểu màu đỏ, không gây nguy hiểm do thuốc rifampicin có chứa phẩm màu đỏ… Đặc biệt, nếu lòng trắng mắt của người bệnh trở nên vàng, hay đau dạ dày, cảm thấy buồn nôn nhiều, mệt mỏi hoặc có xuất hiện vết mẩn đỏ lớn dần lan trên cơ thể thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, thuốc điều trị và dự phòng lao được chuyển hóa tại gan. Do đó, trong quá trình điều trị, người bệnh không nên uống rượu hay tự ý sử dụng thuốc giảm đau chứa paracetamol, vì nó sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và nguy cơ tổn thương gan là rất cao.

 

Từ ngày 15/2, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nghi mắc bệnh lao, mắc bệnh lao, mắc bệnh lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến khám chữa bệnh (KCB) lao được Quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo quy định. Bệnh nhân được chuyển tuyến KCB BHYT. Cụ thể, người mắc bệnh lao kháng thuốc đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện được chuyển tuyến lên tất cả các cơ sở KCB tuyến tỉnh, T.Ư.